Chí sĩ Phan Châu Trinh (1872 - 1926)

I. Quê hương, gia đình và thời niên thiếu (1872-1887)

Phan Châu Trinh tự là Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã, sinh ngày 9-9-1872 (năm Tự Đức thứ 23 - Nhâm Thân), quê quán làng Tây Lộc, huyện Hà Đông, phủ Tam Kỳ, nay là thôn Tây Lộc, xã Tam Lộc, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

 Cha là Phan Văn Bình, xuất thân từ một gia đình giàu có và hào hiệp, có học, vào quân giữ chức Quản cơ ở sơn phòng Quảng Nam, tính tình hiếu khách và hào phóng. Mẹ là Lê Thị Chung, con gái một gia đình danh giá ở làng Phú Lâm (Tiên Phước - Quảng Nam), đức hạnh hiền thục, đảm đang. Phan Châu Trinh là con thứ ba trong gia đình, hai anh là Phan Văn Cừ, Phan Văn Uyển và em gái là Phan Thị Ngưu, ngòai ra còn có hai người em gái cùng cha khác mẹ.

 Phan Châu Trinh sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược. Năm Phan Châu Trinh ra đời, nước ta đã mất 6 tỉnh Nam Kỳ và nạn ngoại xâm đang diễn ra ở Bắc Kỳ. Năm 1885, phong trào Cần Vương bùng nổ, Phan Văn Bình tham gia Nghĩa Hội ở Quảng Nam và được cử làm Chuyển vận sứ, phụ trách việc lập đồn điền, sản xuất và cung cấp lương thực cho nghĩa quân… Trong thời gian này, Phan Châu Trinh cùng với hai anh và em gái lên sống với cha ở căn cứ, học tập võ nghệ, săn bắn và tập việc binh mã.

II. Học hành, cử nghiệp và làm quan (1887-1904)

Phan Châu Trinh sớm mồ côi cha mẹ, năm lên 8 mẹ chết, 9 tuổi mới đến trường, 13 tuổi theo cha lên căn cứ, năm 15 tuổi cha gặp nạn, Phan Châu Trinh được người anh cả (Phan Văn Cừ) chăm sóc, lo việc học hành.

Phan Châu Trinh học trường tỉnh Quảng Nam do Đốc học Trần Đình Phong phụ trách và giảng dạy. Cụ nổi tiếng thông minh và hay chữ, học ít hiểu nhiều, “đọc sách có con mắt riêng”, “làm văn tạo xuất cách mới, không làm theo lối tìm câu bắt chữ, vẽ bóng pha màu”, kết bạn với Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Nguyễn Đình Hiến.

Năm 28 tuổi Phan Châu Trinh đỗ Cử nhân (1900), 29 tuổi đỗ Phó bảng (1901), cùng khoa với Phó bảng Nguyễn Sinh Huy (thân sinh của Nguyễn Ái Quốc). Sau khi thi đỗ, Phan Châu Trinh xin nghỉ thêm một năm để cư tang người anh cả (Phan Văn Cừ) - người đã nuôi dạy Phan Châu Trinh sau khi cha mất. Năm 1902, Phan Châu Trinh được triều đình nhà Nguyên bổ nhiệm làm Thừa Biện (một chức quan nhỏ) Bộ Lễ và đến năm 1904 cụ xin từ quan.

Trong thời gian làm quan ở Huế, Phan Châu Trinh không thiết tha với công việc của mình, tính tình tự do phóng khoáng, ít khi đến nhiệm sở. Phan Châu Trinh dành nhiều thời gian cho việc sáng tác văn thơ và kết giao với các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế… đọc “tân thư”, tiếp thu tư tưởng cách mạng tư sản phương Tây, tìm hiểu cuộc duy tân ở Nhật Bản.

III. Hoạt động ái quốc (1904-1925)

Sau khi từ quan, Phan Châu Trinh với Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp bắt đầu cuộc vận động duy tân ở Quảng Nam với 3 mục tiêu: khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.

Năm 1905, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp thực hiện cuộc “Nam du” vào Quảng Ngãi gặp Lê Khiết, đến Bình Định, gặp lúc quan tỉnh đang mở kỳ khảo hạch, các cụ Phan, Huỳnh, Trần làm bài thơ “Chí thành thông thánh” và bài phú “Lương ngọc danh sơn”, chỉ trích sĩ phu mãi mê khoa cử mà quên cái nhục mất nước, làm rối loạn cả trường thi. Ở Nha Trang, Phan Châu Trinh cùng hai bạn đến xem chiến hạm của phương Tây (Nga) cập cảng Cam Ranh (tránh bão). Các cụ dừng lại khá lâu ở Phan Thiết, kết bạn với Nguyễn Quý Anh, Hồ Tá Bang… rồi trở về Quảng Nam.

Năm 1906, Phan Châu Trinh lên đường ra Bắc - “Bắc du”, để phát động duy tân, ghé Hà Tĩnh gặp Ngô Đức Kế, đến Hà Nội gặp Lương Văn Can, Đào Nguyên Phổ, lên Yên Thế tiếp xúc với Hoàng Hoa Thám, xuống Hải Phòng tìm cách sang Hương Cảng (Trung Quốc), đến Quảng Đông (Trung Quốc) gặp Phan Bội Châu tại nhà Lưu Vĩnh Phúc. Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu cùng Cường Để sang Nhật Bản để tìm hiểu cuộc duy tân cải cách của Nhật hoàng… Sau mấy tháng ở Nhật, Phan Châu Trinh về nước tiếp tục cuộc vận động cứu nước theo phương thức công khai và bất bạo động. Cụ viết thư cho Toàn quyền Đông Dương và Khâm sứ Trung Kỳ kể tội vua quan phong kiến và đòi Pháp thay đổi chế độ cai trị ở Việt Nam.

Năm 1908, phong trào đòi giảm sưu thuế nổ ra ở Quảng Nam và lan rộng khắp Trung Kỳ. Cuộc đấu tranh này bị thực dân Pháp đàn áp dã man. Trần Quý Cáp bị xử chém, Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng bị thực dân Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Nhờ sự can thiệp của Hội Nhân quyền Pháp, năm 1911, Phan Châu Trinh được trả tự do rồi sang Pháp hoạt động.

Tại Pháp, Phan Châu Trinh viết “Trung Kỳ dân biến thỉ mạt kí”, nói về cuộc dân biến ở Trung Kỳ năm 1908; “Đông Dương chính trị luận”, phê phán chính sách cai trị của Pháp ở Đông Dương. Năm 1912, cùng với Phan Văn Trường thành lập “Hội đồng bào thân ái”.

Tháng 9-1914, Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, thực dân Pháp nghi ngờ Phan Châu Trinh cấu kết với Đức thông qua việc liên lạc với Cường Để - lúc bấy giờ đang ở Đức. Cụ bị bắt giam tại ngục Santê và đến tháng 7-1915 mới được trả tự do. Năm 1920, Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Thế Truyền hình thành nhóm “Ngũ Long” (nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp).

Năm 1922, Khải Định sang thăm nước Pháp và dự Hội chợ Marseille, Phan Châu Trinh tổ chức diễn thuyết phản đối chế độ quân chủ, viết thư kể bảy tội của nhà vua (thư thất điều), buộc Khải Định phải quay về nước.

IV. Những năm cuối đời (1925-1926)

Sau nhiều năm sống và hoạt động tại Pháp, Phan Châu Trinh tự nhận thấy những hạn chế của mình và nhìn thấy vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong sự nghiệp cứu quốc. Phan Châu Trinh đã viết thư cho Nguyễn Ái Quốc và hẹn nhau cùng về nước để giúp dân cứu nước:

“Anh Nguyễn… cây già thì gió dễ lay, người già thì trí lẫn, cảnh tôi như hoa sắp tàn… Còn anh như cây đương lộc, nghị lực có thừa...”, “…Tôi cầu chúc anh thành công và hy vọng thấy mặt nhau ở quê hương xứ sở” (Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911-1925 - Thu Trang - NXB Đông Nam Á - 1983)

Năm 1925, Phan Châu Trinh về nước, nhân dân Sài Gòn nhất là học sinh nồng nhiệt chào đón cụ. Khi Phan Bội Châu bị Hội đồng đề hình Pháp xử mức án “khổ sai chung chân”, Phan Châu Trinh gửi điện cho Toàn quyền Đông Dương đề nghị ân xá cho Phan Bội Châu. Tháng 11-1925, Phan Châu Trinh diễn thuyết tại nhà Hội thanh niên Sài Gòn về “Đạo đức luân lý Đông - Tây”; “Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa”…

Sau hai lần tù tội, 14 năm lao động vất vả nơi xứ người, Phan Châu Trinh gầy yếu và bệnh nặng. Ngày 24-3-1926, lúc 21 giờ 30, cụ từ trần, hưởng thọ 54 tuổi. Đám tang và Lễ truy điệu Phan Châu Trinh trở thành cuộc vận động ái quốc rộng lớn.

Thương tiếc Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu viết:

Cờ xã hội những toan lên thẳng bước

Gánh giang sơn chẳng chút chịu nhường ai

Đau đớn thay! Trời chẳng chìu người,

Người bước tới mà trời giằng kéo lại

Công nghiệp sống chưa ra vòng thất bại

Tuổi chết nay đã trải chẵn muời năm

Nhớ bạn xưa khôn nỡ khóc thầm

Một hàng chữ gởi thôn tâm cùng thiên cổ!

Kẻ tiền đạo ấy ai là người hậu lộ?

Nguồn Trường THPT Phan Châu Trinh - Đà Nẵng