Huỳnh Thúc Kháng - Nhà chí sĩ yêu nước, người con của quê hương Tiên Phước

Huỳnh Thúc Kháng sinh năm 1876 (năm Bính Tý) tại làng Thạnh Bình (Nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước – tỉnh Quảng Nam) trong một gia đình nông dân nghèo gốc nho học.

Thuở nhỏ Huỳnh Thúc Kháng có tiểu danh là Thước, khi đi học lấy tên là Huỳnh Hanh, sau đổi thành Huỳnh Thúc Kháng. Tự Giới Sanh, hiệu Mính Viên. Huỳnh Thúc Kháng nổi tiếng thông minh, học giỏi, nhớ lâu, là bạn thâm giao của Phan Châu Trinh, Trần Quí Cáp, Phan Bội Châu.

 
Chí sỹ Huỳnh Thúc Kháng (1875-1947)

Lên 8 tuổi (1883), Huỳnh Hanh bắt đầu đi học. Nhờ học giỏi, nhớ lâu nên được nhiều thầy giáo biết đến và khen ngợi. Năm 1887, khi quân Pháp đánh vào Tiên Phước để đàn áp phong trào Cần Vương, nhân dân Tiên Phước thực hiện “ Vườn không nhà trống”, Huỳnh Hanh phải thôi học cùng gia đình lánh nạn.

 
Nhà lưu niệm cụ Huỳnh tại xã Tiên Cảnh, Tiên Phước - Di tích lịch sử quốc gia

Năm 1888, được cậu là Nguyễn Đình Tựu giúp đỡ, Huỳnh Hanh ra học ở trường Tỉnh. Năm 1891 dẫu mới 15 tuổi, Huỳnh Hanh vẫn ra ứng thí và đỗ hạng bình. Năm 1892, Huỳnh Hanh chính thức kết giao với Phan Châu Trinh, Trần Quí Cáp.

Năm 1896, Huỳnh Hanh trúng tuyển vào Trường Đốc. Tại ngôi trường này, 3 học trò Huỳnh Hanh, Phan Châu Trinh, Trần Quí Cáp đã nổi tiếng không chỉ về văn chương mà cả về đạo đức.

Năm 1900, tại kỳ thi Hương Huỳnh Hanh đỗ đầu trong 42 thí sinh trúng tuyển, lúc này Huỳnh Hanh đổi tên thành Huỳnh Thúc Kháng.

Kỳ thi Hội năm Giáp Thìn(1904), Huỳnh Thúc Kháng tham dự và đỗ đầu với giải Hội Nguyên. Cũng năm này, Huỳnh Thúc Kháng tham dự kỳ thi Đình và đỗ Tiến sĩ. Với học vị Tiến sĩ, Triều đình Huế mời ra làm quan nhưng ông từ chối mà ở lại quê nhà tìm đọc các sách mới và kết giao với các nhà nho yêu nước để bước vào con đường cứu nước. Huỳnh Thúc Kháng trở thành người đứng đầu phong trào Duy Tân ở Trung Kỳ.

Năm 1908, Huỳnh Thúc Kháng bị giặc Pháp bắt và đày đi Côn Đảo đến năm 1921 mới được trả về đất liền.

Năm 1927, Huỳnh Thúc Kháng sáng lập và là chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo Tiếng Dân – cơ quan ngôn luận đầu tiên ở Trung Kỳ và gắn bó với tờ báo này đến năm 1943.

Năm 1946, Huỳnh Thúc Kháng được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia chính phủ và giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ nội vụ, là người sáng lập và giữ chức Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam.

Tháng 6/1946, Hồ Chủ Tịch đi Pháp , Huỳnh Thúc Kháng làm quyền Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Năm 1947, trên đường đi công tác, Huỳnh Thúc Kháng bị ốm nặng và qua đời vào ngày 21/04/1947, thọ 71 tuổi.

Thi hài Cụ được an táng trang trọng tại núi Thiên Ấn, Tỉnh Quảng Ngãi. Trước khi qua đời, Cụ viết thư gởi chủ tịch Hồ Chí Minh. 

“ Kính gởi Hồ Chủ Tịch!

Tôi bệnh nặng chắc không qua khỏi, 40 năm ôm ấp độc lập và dân chủ nay nước đã độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả. Chỉ tiếc không gặp được lại Cụ lần cuối cùng. Chúc Cụ sống lâu để dìu dắt quốc dân trên đường vinh quang , hạnh phúc. Chào vĩnh quyết!”

 
Mộ cụ Huỳnh tại núi Thiên Ấn, Quảng Ngãi

Trong thư gởi quốc dân đồng bào khi Cụ Huỳnh tạ thế, Hồ Chủ Tịch viết: “Cụ Huỳnh là người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao vì lòng yêu nước mà trước đây Cụ bị bọn thực dân làm tội đày ra Côn Đảo, mười mấy năm trường gian nan cực khổ. Nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ Huỳnh chẳng những không sờn mà lại thêm cương quyết. Cụ Huỳnh là Người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập.”. 

Dù đã đi xa nhưng hình ảnh của nhà Chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, người học trò nghèo, hiếu học, biết vượt lên cái khổ, cái khó của thời cuộc để trở thành vị Tiến sĩ Hán học, có nhiều đóng góp cho cách mạng từ những năm đầu thế kỷ XX vẫn mãi là niềm tự hào trong mỗi chúng ta.

Nguồn www.ptth-huynhthuckhang-quangnam.edu.vn