Ông cha ta đã nói một cách thú vị về các biện pháp đấu tranh chống ngoại xâm: "Đã đánh bằng lưỡi, đã đánh bằng bút" rồi cực chẳng đã mới "Hầm hầm quyết đánh bằng kiếm". Đánh bằng lưỡi, đánh bằng bút, đó chính là đánh thắng về mặt ngoại giao.
Đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi tại thôn Long Động, xã Nam Tân,
huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Suốt hơn một thế kỷ đấu tranh chống Pháp, chống Nhật, chống Mỹ cứu nước, chúng ta đã sử dụng vũ khí ngoại giao về nhiều mặt: ngoại giao chính trị, ngoại giao quân sự, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa. Đặc biệt là, vừa qua, chúng ta đã đề cao và vận dụng có hiệu quả ngoại giao văn hóa. Người Mỹ đã phải thừa nhận, nếu các nhà lãnh đạo Mỹ trước đây biết rõ bề dày văn hóa của Việt Nam, thì đã không bị sa lầy trong cuộc chiến tranh lâu dài, chịu tổn thất nhiều về người và của ở Việt Nam. Họ thua Việt Nam, nhưng không phải thua về quân sự mà là thua về văn hóa.
Việt Nam có ưu thế, là trong lịch sử hàng nghìn năm đã biết xây dựng truyền thống ngoại giao văn hóa để dựng nước và giữ nước. Từ Thái sư Lê Văn Thịnh thời Lý đến Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thời Trần, Nguyễn Trãi thời Lê sơ. Trong đó, Mạc Đĩnh Chi có đặc biệt là "Đem chuông đi đánh nước người" mà đánh rất kêu. Bằng trí thông minh và tài thi ca, ông đi sứ sang nhà Nguyên (Trung Quốc), đã khiến vua quan nhà Nguyên phải tâm phục, khẩu phục, tấn phong làm Lưỡng quốc Trạng nguyên. Trong cuộc giao du với sứ thần các nước ở Yên Kinh (nay là Bắc Kinh), đặc biệt là với đoàn sứ giả Triều Tiên, Mạc Đĩnh Chi còn đem lại tình hữu nghị lâu đời giữa hai dân tộc Việt - Triều. Theo truyền thuyết, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi được sứ thần Triều Tiên mến mộ về tài và đức qua các cuộc bút đàm, đã mời sứ giả Việt Nam sang viếng thăm Triều Tiên. Lưu lại nước bạn 4 tháng, Trạng Mạc đã kết duyên cùng phu nhân người nước Triều, để lại hậu duệ có nhiều người thông minh, tài ba, có nhiều cống hiến ở nước bạn.
Ngày nay, phát huy truyền thống dân tộc, ngành ngoại giao nước ta đã tận dụng được di sản quý báu của ông cha, giành được khá nhiều kết quả. Nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Năm 2010, trong cuộc họp Ủy ban UNESCO Việt Nam nhân dịp đón xuân mới Canh Dần, tôi đã đề nghị là chúng ta nên tôn vinh Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi là nhà ngoại giao văn hóa xuất sắc của dân tộc Việt Nam. Các đồng chí lãnh đạo Ủy ban UNESCO Việt Nam tán thành và thông báo là đã đưa Trạng Mạc lên vị trí đó trong lịch sử ngoại giao của dân tộc Việt Nam. Năm nay, nhân kỷ niệm 666 năm Ngày mất của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, chúng ta nên khẳng định vị trí đó và quảng bá rộng rãi tài năng, đức độ của Trạng nguyên họ Mạc, đặc biệt là cống hiến về mặt ngoại giao văn hóa của cụ để góp phần đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp ngoại giao cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, khoa học của chúng ta.
Ngành ngoại giao đã có ngày truyền thống - ngày mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh ra nền ngoại giao cách mạng, ngoại giao văn hóa nhưng cũng nên tôn vinh người đặt viên gạch đầu tiên cho truyền thống ngoại giao Việt Nam là các Tiên chúa họ Khúc, như giới sử học Nhật Bản và Nga đã xác nhận. Đồng thời cũng cần tôn vinh tài năng và đức độ ngoại giao văn hóa của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi nhằm rút ra những bài học lịch sử cho con cháu chúng ta noi theo.
Nguồn Báo Hànộimới