Danh tướng mưu lược
Năm 1285 quân Nguyên Mông xâm lược Đại Việt lần thứ hai, khi đó Trần Nhật Duật là trấn thủ lộ Tuyên Quang (một địa bàn có vị trí chiến lược trọng yếu). Một cánh quân do Na-xi-rút-đin đánh Tuyên Quang để phối hợp với cánh quân phía đông của Thoát Hoan. Lúc này, Nhật Duật đóng quân ở trại Thu Vật (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái bây giờ). Khi giao chiến, thấy thế giặc mạnh, liệu sức không ngăn nổi, ông chủ trương tạm thời rút lui để bảo toàn lực lượng. Ông cho quân đi thuyền xuôi sông Chảy. Quân Nguyên đuổi theo nhưng thấy chúng đi thong thả, trong lòng sinh nghi “Phàm truy kích thì phải nhanh, sao chúng lại đi thong thả” vội sai quân đi do thám, quả nhiên thấy giặc đã chặn ở hạ lưu. Ông liền hạ lệnh cho quân bỏ thuyền lên bộ, thoát khỏi phục kích. Sau khi rút lui an toàn, Nhật Duật đem quân cùng các tướng đánh giặc ở bến Tây Kết.
Trong quân của Nhật Duật có cả những người lính mặc quần áo Tống. Quân Nguyên trông thấy hoang mang cho là người Tống sang giúp Đại Việt (Trước kia nhà Tống mất, nhiều người Tống theo ta), Nhật Duật khéo thu dùng vào quân ngũ; trong đó có Hứa Tông Đạo là một đạo sĩ người lộ Phúc Kiến. Trần Nhật Duật đãi Tông Đạo làm môn khách, thường cùng nhau đàm đạo về Đạo giáo. Khi quân Nguyên xâm lược, Tông Đạo cắt tóc ăn thề với Trần Nhật Duật, quyết tâm chiến đấu. Tông Đạo chỉ huy một đội quân người Tống tham gia cùng quân dân nhà Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông. Quốc sử đã ghi nhận đóng góp tích cực của đội quân do Hứa Tông Đạo chỉ huy. Sau chiến thắng, Tông Đạo được giao việc đúc chuông, xây quán, sao chép kinh kệ, giảng giải kinh pháp. Các hoàng thân, công chúa triều Trần thường góp tiền, vàng, ruộng đất cho các công việc của Tông Đạo. Năm 1231, Đại Khánh thứ tám vua Trần Minh Tông, Tông Đạo đúc quả chuông cho cung Thái Thanh, ở quán Thông Thánh thuộc Bạch Hạc và tự tay viết bài ký thuật lại sự việc này. Chính bài ký này nói đến Trần Nhật Duật làm trấn thủ lộ Tuyên Quang.
Nhà chính trị khoan hòa
Năm 1280, tù trưởng đạo Đà Giang là Trịnh Giác Mật (vùng Hòa Bình, Thanh Hóa, Sơn La, Lai Châu) chống lại triều đình. Vua sai Chiêu Văn Vương Nhật Duật trấn thủ đạo Đà Giang đi gọi hàng. Nghe tin, Trịnh Giác Mật sai người đến, ra điều kiện: “Nếu trấn thủ một mình một ngựa đến thì Mật sẽ hàng”, Nhật Duật nhận lời. Quan sĩ can ngăn, Nhật Duật nói: “Nếu kẻ kia giáo giở với ta thì triều đình còn có vương khác đến”. Rồi chỉ đem theo vài tiểu đồng cùng đi tay không vào trại Đà Giang. Khi tới trại, người của Trịnh Giác Mật cầm đao thương vây trùng trùng mấy lớp. Nhật Duật mặt không biến sắc, thẳng đến gặp Giác Mật. Mật mời ngồi, đãi tiệc. Nhật Duật nói chuyện bằng tiếng dân tộc, ăn uống theo phong tục của người thiểu số. Người của Giác Mật thảy đều tỏ ra vui vẻ, thích thú và cảm phục. Giác Mật đem gia thuộc đến doanh trại quy hàng. Đến kinh đô, Nhật Duật đem Mật và vợ con vào chầu. Nhà vua khen ngợi, các quan tỏ lòng kính phục vì không mất một mũi tên mà bình được đạo Đà Giang. Sau đó vua cho Mật về quê, được tiếp tục quản trị đạo Đà Giang, giữ con của Mật ở lại kinh đô. Con của Mật được Nhật Duật mến nuôi hết lòng, xin triều đình ban tước thượng phẩm và cho vào trông ao cá, sau cũng cho về.
Những năm trấn thủ Tuyên Quang, Nhật Duật thường thị sát dân tình khắp các vùng hẻo lánh. Trong một lần đi trên sông Gâm, gặp thủy nạn, người thiếp của ông bị chết đuối. Người dân địa phương vớt được xác chôn cất và lập đền thờ dưới chân núi Pác Tạ. Đền còn đến ngày nay, đó là đền Pác Tạ.
Nhật Duật là người hòa nhã, độ lượng. Trong nhà không bao giờ chứa roi vọt để đánh nô lệ. Có lần ông sai gia đồng giữ thuyền, người này bị gia đồng của Quốc phụ (thượng tể Trần Quốc Chẩn) đánh, có người đến mách. Nhật Duật hỏi: Có chết không? Người đó trả lời: Chỉ bị thương thôi. Ông nói: Không chết thì thôi, mách làm gì.
Lại có người kiện gia tỳ của ông với Quốc phụ Trần Quốc Chẩn. Quốc phụ sai gia đồng đến bắt. Người gia tỳ chạy vào trong phủ, người đi bắt đuổi đến nhà giữa, thét trói ầm ĩ. Phu nhân khóc lóc nói: “Ân chúa là tể tướng, Bình chương (Quốc Chẩn) cũng là tể tướng vì ân chúa nhân từ, nhu nhược nên người ta mới coi kinh đến nước này”. Nhật Duật vẫn ung dung không nói, chậm rãi sai người bảo kẻ gia tỳ rằng: Mày cứ ra đi, ở đâu cũng có phép nước.
Vợ ông là Trinh Túc phu nhân, từng có việc xin riêng với ông, ông gật đầu. Đến khi ra phủ, người thư ký đem việc ấy trình lên, ông lại không cho.
Nhà ngoại giao biệt tài
Đời vua Nhân Tông, sư thần nước Sách Mã Tích (tên cổ của Singapor) sang cống, không tìm được người phiên dịch, chỉ có Nhật Duật là dịch được. Có người hỏi ông, vì sao biết tiếng nước họ. Ông nói: Thời Thái Tông (tức Trần Cảnh), sứ nước ấy sang, nhân có giao du với họ, nên hiểu được đôi chút tiếng nước họ.
Vua Nhân Tông từng nói về Nhật Duật: Chú Chiêu Văn có lẽ là kiếp sau của người phiên lạc, nên giỏi tiếng các nước đó (Duật là con Thái Tông, em Thánh Tông, nên Nhân Tông gọi là chú).
Theo lệ, sứ Nguyên sang phải sai người biết tiếng để phiên dịch, tể tướng không trực tiếp nói chuyện với họ, sợ có sai sót gì thì đổ lỗi cho người phiên dịch. Tể tướng Nhật Duật thì không thế, khi tiếp sứ Nguyên ông thường nói chuyện thẳng với họ mà không mượn người phiên dịch. Đến khi sứ về nơi nghỉ thì dắt tay cùng vào, ngồi uống rượu vui vẻ như bạn vẫn quen biết. Sứ Nguyên hỏi ông:
- Ông là người Chân Định (tên một huyện tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) đến làm quan ở đây chứ gì?
Nhật Duật ra sức bác lại, nhưng họ vẫn không tin vì ông nói tiếng của họ quá giỏi.
Nhật Duật thường qua nhà Trần Đạo Chiêu là người Tống, ngồi bên nhau nói chuyện phiếm hàng giờ không mỏi. Vua Anh Tông biết chuyện, bảo Nhật Duật:
- Tổ phụ (Anh Tông gọi Duật là tổ phụ tức là ông) là tể tướng, Đạo Chiêu tuy là người Tống, nhưng đã có hàn lâm phụng chỉ, há nên ngồi nói chuyện với hắn?
Nhật Duật thích chơi với người nước ngoài, thường cưỡi voi đến chơi thôn Bà Già (Hồi Lý Thánh Tông đánh Chiêm Thành, bắt được người Chiêm Thành cho ở đấy) có khi ba, bốn ngày mới về. Lại hay đến chơi chùa Tường Phù, nói chuyện với nhà sư người Tống, ở lại đến hôm sau. Người nước ngoài đến kinh sư, thường kéo đến nhà ông. Nếu là khách Tống thì ông kéo ghế ngồi gần, chuyện trò suốt buổi; nếu là người Chiêm hay người Man khác, thì đều theo phong tục nước họ mà tiếp đãi.
Nhà văn hóa uyên bác
Nhật Duật thông sử sách, hâm mộ đạo giáo, nổi tiếng đương thời là người uyên bác.
Nhà vua Anh Tông muốn tôn Tuyên Từ hoàng thái hậu lên một bậc nữa nhưng không biết gia tôn thế nào. Khâm từ hoàng thái hậu đem việc ấy hỏi Nhật Duật. Ông trả lời: - Tôn làm Thái hoàng thái hậu.
Anh Tông có hai chiếc mũ võ là mũ đội khi duyệt và giảng võ mà chưa có tên gọi. Khi đi đánh Chiêm Thành định đội, bèn sai ông đặt tên. Nhật Duật liền đặt tên một chiếc là Uy Vũ, một chiếc là Uy Đức.
Nhà học của các hoàng tử là Tư thiện đường; nhà học của Đông cung thái tử là Toát trai cũng đều do Nhật Duật đặt tên cả.
Những tiết tấu âm nhạc, khúc điệu múa hát cũng do ông sáng tác.Trong nhà ngày ngày mở cuộc hát xướng, làm trò vui mà không ai chê là say đắm.
Trần Nhật Duật là bậc thân vương tôn quý, làm quan trải bốn triều vua: Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông; ba lần coi giữ trấn lớn là Đà Giang, Tuyên Quang và Thanh Hóa. Ông từng được phong tước Chiêu Văn Vương, Nhập nội kiểm hiệu Thái úy, Bình chương sự, Đô nguyên súy, Thượng trụ quốc, Khai quốc vương, Tả thánh thái sư.
Năm Kỷ Tỵ, 1329 Trần Nhật Duật được phong là Đại vương.
Năm Canh Ngọ, 1330 Tả Thánh thái sư Chiêu Văn Đại Vương Trần Nhật Duật mất, thọ 76 tuổi.
Nguồn QueHuongOnline.vn