KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ

Chữa cháy bằng hợp chất từ muối ăn

Chỉ với muối ăn (NaCl) và chất natri laurylsulphat (C12H25OSO3Na) đã tạo được hợp chất dập tắt mọi đám cháy rắn, xăng, dầu, hóa chất, cháy rừng… và không bị bắt cháy trở lại.

 Hỗn hợp chữa cháy trên của tiến sĩ Phạm Đắc Thống có tên ĐT-HP, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 557. Hỗn hợp này đã được Trung tâm Nghiên cứu sản xuất ứng dụng khoa học – kỹ thuật phòng cháy chữa cháy (PCCC), Cục PCCC và Phòng cảnh sát PCCC, Công an TP HCM, kiểm tra thực nghiệm, đánh giá cao, khuyến khích thay thế chất chữa cháy ngoại nhập. Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai hợp chất này vào thực tế còn gặp nhiều khó khăn.

Trăn trở tìm chất chữa cháy

Những năm 1960, trước yêu cầu phải có vật liệu chữa cháy trong nước để bảo vệ các kho xăng, dầu tại miền Bắc, tiến sĩ Thống đã tạo thành công chất chữa cháy tạo bột từ trái bồ hòn, tóc... và được cấp hai bằng sở hữu trí tuệ khi làm nghiên cứu sinh tại Cộng hòa dân chủ Đức.

Ông cũng nắm rõ hạn chế của việc chữa cháy bằng nước: do sức căng bề mặt lớn nên khó thấm ướt nhanh vào bề mặt vật thể cháy. Do vậy, khi chữa cháy bằng nước thuần túy cần nhiều thời gian, nhân lực, phương tiện... Với đám cháy xăng dầu, hóa chất chữa cháy hữu hiệu nhất là foam, nhưng Việt Nam chưa sẵn nguồn vật liệu này .

TS Thống đang giới thiệu sản phẩm ĐT-HP nén vào bình chữa cháy.

Chứng kiến cảnh tòa nhà trung tâm thương mại quốc tế Sài Gòn (ITC) bốc cháy ngày 29/10/2002 trong sự bất lực của các phương tiện kỹ thuật, rồi các vụ cháy rừng tại U Minh Hạ do thiếu nguồn nước, tiến sĩ Thống luôn nghĩ, cần phải có một chất chữa cháy hiệu quả cao, dễ sử dụng, không cần phải dùng nhiều nước và “trị” được mọi đám cháy.

Phát huy kinh nghiệm đã có, ông tiếp tục mày mò nghiên cứu. Tiến sĩ Thống nhận thấy muối ăn có tác dụng chống cháy nhờ các ion clorur, cùng chất natri laurylsulphat có tính làm giảm sức căng bề mặt nước, làm cho nước dễ thấm ướt vật liệu rắn.

Ngoài ra, natri laurylsulphat còn có khả năng tạo bọt tốt, bền với nước cứng, dễ hòa tan và lâu phân hủy. Nếu kết hợp thành công hai chất này sẽ có được chất chữa cháy ưu việt.

Sau nhiều thí nghiệm, nhiều lần thất bại, cuối cùng, ông đã kết hợp hai chất này với nhau tạo thành hợp chất ĐT-HP.

Đốt cũng không cháy lại

Đổ một lít xăng với một lít dầu diesel, cùng với chất tẩm vải, bao bố cũ trên một khay sắt có diện tích 1m2, châm lửa đốt sau 30 giây (lúc này ngọn lửa đạt cường độ cao nhất), rồi dùng bình xịt (kiểu xịt thuốc trừ sâu) phun dung dịch chữa cháy đa năng 0,5% dạng mưa (hòa 20g ĐT-HP với 4 lít nước). Sau 1 phút 8 giây, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn.

Ở một hướng khác, cũng trong khay sắt này, đổ nước dâng 12cm, sau đó đổ vào 2 lít xăng, cùng 3 lít dầu diesel rồi châm lửa đốt, cũng dùng bình xịt trên gắn thêm lăng tạo bọt. Sau 1 phút 23 giây, đám cháy đã được dập tắt, đốt lại vẫn không cháy. Nếu vật liệu cháy là hóa chất, điện, nhựa cũng tiến hành tương tự.

Tiến sĩ Thống giải thích, chính bọt này tạo bức màng ngăn cách chất cháy với ô-xy nên sẽ không gây cháy lại, dù cố tình đốt. Nước trong bọt này tiết ra làm mát bề mặt chất cháy giúp triệt tiêu nguồn nhiệt và dập tắt đám cháy dễ dàng hơn.

Ưu điểm của hợp chất ĐT-HP khi pha với nước là phun thẳng vòi trực tiếp dùng để trị đám cháy rắn và lắp lăng khi phun ra tương tác với không khí sẽ tạo bột để trị đám cháy là xăng dầu, hóa chất.

Hiện, tiến sĩ Thống đã nén vào bình chữa cháy với giá thành 120.000 đồng/bình (tính cả vỏ bình 100.000 đồng) để trang bị cho gia đình.

Muốn chuyển giao công nghệ

Tiến sĩ Thống cho biết, đã sản xuất hỗn hợp chữa cháy ĐT-HP để tặng cho Phòng Cảnh sát PCCC TP HCM 1.000kg, Cà Mau 100kg và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM.

Trao đổi với Đất Việt, thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng nghiệp vụ cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết: Đơn vị này chưa sử dụng hợp chất chữa cháy ĐT-PH vào thực tế, mà chỉ sử dụng foam do Cục PCCC đưa về (có cả trong nước sản xuất và nhập ngoại). Chất chữa cháy ĐT-HP thích hợp cho chữa cháy rừng và các lực lượng chữa cháy tại chỗ hơn.

Trung tá Phạm Văn Hùng, Phó trưởng phòng chữa cháy và cứu hộ cứu nạn cho biết thêm: foam chữa cháy mà đơn vị đang sử dụng có gốc benzen, bền, khó phân hủy trong tự nhiên, thế giới đã bị cấm sử dụng, nhưng vẫn tiếp tục được dùng ở một số nước. Tuy nhiên, trước một đám cháy, vấn đề chính là phải dập tắt nó, chứ lúc đó không tính đến ô nhiễm môi trường.

Hiện, tiến sĩ Thống đang muốn chuyển giao công nghệ này cho doanh nghiệp thương mại hóa để phục vụ cho việc chữa cháy. Cục Sở hữu trí tuệ khi cấp bằng độc quyền đã đánh giá: “ĐT-HP không chỉ có ý nghĩa tự lực mà còn mang lại lợi ích lớn về mặt kinh tế xã hội. Từ nguyên liệu sẵn có đã tạo ra được sản phẩm có giá trị gia tăng nhiều lần, là mặt hàng xuất khẩu không có đối thủ”.

Muối ăn ở Việt Nam luôn dồi dào. Chất natri laurylsulphat là một sản phẩm của công nghiệp hóa dầu hiện trong nước đã hoàn toàn chủ động.

Natri laurylsulphat qua công đoạn phản ứng để gắn thêm mạch hydrocacbon tạo thành hợp chất ĐT 30% ở dạng dung dịch. Trộn đều 70kg dung dịch ĐT 30% với 30kg muối ăn, ở nhiệt độ thích hợp sẽ thu được 100kg hỗn hợp chữa cháy ĐT-HP ở dạng bột nhão. Có thể để ở dạng dung dịch đặc, hoặc sấy khô, nghiền nhỏ lại đóng gói, khi chữa cháy chỉ cần hòa tan vào nước ở tỉ lệ 0,5%.

Theo tiến sĩ Thống, giá thành của 1kg hỗn hợp ĐT-HP chỉ hơn 10.000 đồng. Ưu điểm của hợp chất chữa cháy này dễ hòa tan trong nước; không độc hại cho sức khỏe con người và các sinh vật khác; không gây ô nhiễm môi trường.

Nguồn Báo ĐấtViệt