Chiến lược đặt mục tiêu xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, tài chính- tiền tệ.
Ảnh minh họa
Phấn đấu đến năm 2015 tổng mức dự trữ Nhà nước đạt 0,8-1% GDP
Cụ thể, tiếp tục xử lý tốt mối quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng, giữa tiết kiệm và đầu tư; tỷ trọng đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011-2015 khoảng 33,5-35% GDP. Tổng thu từ thuế và phí giai đoạn 2011-2015 là 22-23% GDP, giai đoạn 2016-2020 là 21-22% GDP.
Phát triển đồng bộ các loại thị trường, tái cấu trúc thị trường tài chính và dịch vụ tài chính. Tập trung phát triển thị trường chứng khoán ổn định, vững chắc, hoạt động hiệu quả, vận hành an toàn. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 50% GDP vào năm 2015 và đạt khoảng 70% vào năm 2020; dư nợ thị trường trái phiếu đạt khoảng 30% GDP vào năm 2020; tổng doanh thu ngành bảo hiểm đạt 2%-3% GDP vào năm 2015 và 3 - 4% GDP vào năm 2020.
Bên cạnh đó, đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia, cân đối ngân sách tích cực. Giảm mức bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới 4,5% GDP vào năm 2015 (tính cả trái phiếu chính phủ) và giai đoạn 2016-2020 tương đương 4% GDP.
Phấn đấu đến năm 2015 tổng mức dự trữ Nhà nước đạt 0,8-1% GDP và đến năm 2020 đạt khoảng 1,5% GDP.
Một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện Chiến lược là phải nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực tài chính quốc gia. Động viên hợp lý các nguồn thu từ thuế, phí và lệ phí.
Đến năm 2020 xây dựng một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế và có khả năng huy động đầy đủ, chủ động, hợp lý nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Đồng thời, thực hiện cải cách cơ bản chế độ tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm cho công chức, viên chức sống được bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã hội.
Phát triển đồng bộ thị trường tài chính và dịch vụ tài chính. Cơ cấu lại thị trường chứng khoán đảm bảo sự phát triển đồng bộ, cân đối giữa thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường các công cụ phái sinh....
Thực hiện theo 2 giai đoạn và 9 chiến lược ngành
Chiến lược Tài chính đến năm 2020 được thực hiện theo 2 giai đoạn, tương ứng với Kế hoạch Tài chính- ngân sách 5 năm 2011-2015 và Kế hoạch Tài chính- ngân sách 5 năm 2016-2020.
Chiến lược này được cụ thể hóa thông qua 9 chiến lược ngành: 1. Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020; 2. Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020; 3. Chiến lược phát triển kho bạc Nhà nước đến năm 2020; 4. Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030; 5. Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2020; 6. Chiến lược phát triển thị trường vốn đến năm 2020; 7.Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011-2020; 8. Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020; 9. Chiến lược kế toán- kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Nguồn www.chinhphu.vn