Năm 2001, khi đoạn giữa kênh Nam, thuộc các xã Phước Thái, Phước Hữu, thị trấn Phước Dân được đầu tư bê-tông hóa 20 km, nhân dân huyện nhà đã hết sức phấn khởi. Không chỉ mang lại lợi ích trong nông nghiệp mà các vấn đề an sinh xã hội tại khu vực hai bên bờ kênh cũng được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, với cách tưới luân phiên xưa nay, tình trạng thiếu nước ở đoạn cuối kênh, đặc biệt vào mùa khô là khó tránh khỏi. Do vậy, khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định đầu tư kiên cố tiếp tục hai đoạn đầu và cuối kênh, hoàn thiện việc bê-tông hóa toàn bộ kênh Nam trước vụ hè- thu 2012, nhiều bà con nông dân huyện Ninh Phước “vui như mở cờ trong bụng”.
Kiên cố hóa hệ thống thủy lợi, đảm bảo chủ động nước tưới cho bà con nông dân huyện Ninh Phước.
Ảnh: Duy Anh
Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn đầu và đoạn cuối kênh Nam thuộc hệ thống thủy lợi Nha Trinh – Lâm Cấm, có tổng vốn đầu tư trên 90 tỷ đồng. Trong đó, hơn 50% là vốn của Ngân hàng Phát triển Châu Á, Cơ quan Phát triển Pháp hỗ trợ gần 34 tỷ đồng, vốn đối ứng của ngân sách tỉnh hơn 11 tỷ đồng. 4 gói thầu của dự án sẽ được thi công cùng một lúc nhằm đảm bảo đúng tiến độ dự kiến là 45 ngày (từ 25-4 đến 10-6). Đoạn đầu kênh Nam được tính từ điểm đấu nối với đập Nha Trinh, chảy qua 2 xã Phước Vinh và Phước Sơn (Ninh Phước) có chiều dài hơn 3,8 km. Đoạn cuối kênh dài hơn 4,8 km thuộc xã An Hải sẽ được bê-tông hóa đến điểm nối với sông Lu. Ngoài ra, một đoạn giữa kênh Nam dài 400m cũng được bê-tông hóa trong dự án này. Theo thiết kế, đáy kênh sẽ rộng từ 5 – 6 m, mặt đáy và mặt mái được đổ bê-tông, hai bên bờ được đắp đất cao, kiên cố.
Ông Phạm Văn Hường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi Ninh Thuận cho biết, khi hoàn thành, lòng kênh được mở rộng và sâu hơn rất nhiều nên lưu lượng nước trong kênh sẽ tăng lên, tốc độ chảy cũng nhanh hơn, từ đó làm giảm thất thoát, chống xói mòn. Do vậy, lượng nước về cuối kênh sẽ đảm bảo đủ phục vụ sinh hoạt, sản xuất và chăn nuôi. Mặt khác, vào mùa mưa, việc tiêu nước cũng diễn ra nhanh hơn, hạn chế ngập úng. Đối với đoạn đầu kênh, việc bê-tông hóa sẽ ngăn xói mòn lòng kênh, tránh sạt lở bờ.
Việc hoàn thiện kiên cố hóa toàn bộ kênh Nam sẽ tạo điều kiện cho công tác quản lý, khai thác, vận hành đạt hiệu quả và giao thông hai bên bờ thuận tiện hơn. Từ đó, năng lực sản xuất nông nghiệp được nâng lên, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân.
Thực tế, đoạn kênh Nam chảy qua xã An Hải càng về cuối càng hẹp dần, có nơi lòng kênh chỉ rộng khoảng 1 m, lượng nước rất ít và thấp. Cỏ mọc um tùm hai bên bờ, phủ kín mặt kênh. Các hộ dân xung quanh phải dùng máy bơm đưa nước vào ruộng, vườn. Do vậy, khi biết con kênh trước nhà mình sắp được bê-tông hóa, bà Đặng Thị Minh, thôn An Thạnh 2, xã An Hải vui mừng: “Đoạn kênh này hẹp, mùa khô ai cũng lo thiếu nước, giành nhau bơm, còn mùa mưa đến thì lại ngập vì tiêu chậm quá. Giờ tỉnh làm kênh bê tông, vừa rộng vừa sâu, vụ tới bà con không phải lo nữa rồi”. Sở hữu 2 sào nho ngay bên bờ kênh, anh Ngô Hoàng, thôn An Thạnh 1, xã An Hải bày tỏ niềm vui: “Nếu bê-tông hóa con kênh này thì quả là quá tốt cho bà con nông dân rồi. Đường sá hai bên mai mốt sẽ rộng rãi, sạch sẽ hơn, gặt hái gì cũng thuận tiện.”
Ông Trần Ngọc Hùng, Phó Ban quản lý Dự án ODA ngành Nông nghiệp thể hiện quyết tâm: “Để đảm bảo các thông số kỹ thuật cũng như chất lượng công trình, tiến độ thi công,… các cán bộ chuyên trách của chúng tôi đã, đang giám sát thường xuyên toàn bộ quá trình thực hiện dự án.”
Hiện tại, công tác khảo sát, đo đạc, cắm mốc và đền bù tại các vị trí thuộc dự án đều đã hoàn thành, đảm bảo việc thi công ngay khi đóng nước vào ngày 25-4 này. Bà con nông dân cũng như chính quyền địa phương luôn theo sát, hỗ trợ cho các đơn vị thực hiện dự án. Đây sẽ là con kênh chính đầu tiên và dài nhất của tỉnh ta được bê-tông hóa toàn bộ từ đầu đến cuối.
Sau khi hoàn thành, Trạm Thủy nông Ninh Phước sẽ trực tiếp quản lý công trình này. Trưởng trạm Dương Tấn Ngọc khẳng định: “Kênh chính Nam phục vụ tưới tiêu cho gần 7.000 ha đất sản xuất của địa phương. Do vậy, dự án này không chỉ có ý nghĩa đối với bà con nông dân mà còn góp phần làm thay đổi bộ mặt ngành nông nghiệp huyện nhà.”
Việc kiên cố hóa hệ thống thủy lợi, đảm bảo chủ động nước tưới phục vụ sản xuất đang góp phần đáng kể vào tiến trình xây dựng nông thôn mới của huyện Ninh Phước.
Bảo Bình