Một số xứ đồng xuống giống sớm như ở xã Phương Hải đã thu hoạch xong, năng suất bình quân đạt 6,5 tấn/ha. Giá lúa tươi bán tại đồng 4.600 đồng/kg. So với vụ đông - xuân trước, vụ này năng suất thấp hơn 0,5 tấn, giá thấp hơn 1.000 đồng.
Nông dân Ninh Hải ứng dụng cơ giới hóa vào thu hoạch vụ đông - xuân năm 2012.
Trong ảnh: nông dân xã Xuân Hải bắt đầu thu hoạch vụ đông - xuân, năng suất bình quân
đạt 7 tạ/ ha. Ảnh: Đình Nhi
Riêng ở xã Hộ Hải, năng suất thấp hơn chút ít vì chịu nhiều ảnh hưởng của bão số 1 vừa qua. Đồng chí Trần Hữu Nhân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Hải, cho biết: “Trong số 520 ha lúa ở địa phương, có 15 ha mất trắng do bị ngập nước. Một số diện tích khác bị ngã đổ nên ít nhiều ảnh hưởng đến năng suất, dự kiến bình quân đạt 6 tấn/ha.”
Các vùng trọng điểm lúa như ở xã Xuân Hải, Tân Hải… ít chịu ảnh hưởng bão hơn. Cả hai địa phương có tổng diện tích 1.139 ha, đã thu hoạch được khoảng 20%. Hiện nay, mỗi ngày có từ 5 - 7 chiếc máy gặt huy động từ mọi nơi về thu hoạch lúa. Trên cánh đồng lúa vàng mênh mông nằm về phía Tây Quốc lộ 1A tiếng máy gặt, máy cày chở lúa vang vọng với không khí lao động hết sức khẩn trương. Ngày mùa không còn tất bật, vất vả như trước đây vì khâu thu hoạch đã được cơ giới hóa, nhưng bà con vẫn đổ ra đồng đóng lúa vào bao bán cho thương lái, thu gom rơm rạ.
Chị Nguyễn Thị Thêm, ở thôn Thủy Lợi, xã Tân Hải, cho biết: “Đầu vụ, tôi tính sạ lúa hạt tròn ML 202, nhưng ông xã bàn sạ thử giống hạt dài OM 4495 chống chịu rầy nâu, bệnh vàng lùn và xoắn lá nên làm theo. Đúng đây là giống lúa năng suất vượt trội, đạt 6,8 tạ/sào, dễ bán, giá chấp nhận được, 4.600 đồng/kg tươi. Nhà tôi làm 4 sào, thu lãi khoảng 7 triệu đồng”. Mức lãi trên là chị Thêm đã trừ hết các khoản thuê công làm đất, theo nước, phun thuốc, bón phân, gặt… Các hộ bỏ công lao động ra, thì giảm chi phí được 400 ngàn đồng/sào, mức lãi vì thế cao hơn. Nhiều hộ vụ này thu nhập khá như hộ Lê Văn Đến, ở thôn Thủy lợi, xã Tân Hải. Ông Đến không những làm nhiều lúa mà còn tự sắm được máy gặt nên thu “trọn đồng tiền” với 2 ha lúa của ông dự kiến thu lời khoảng 40 triệu đồng. 3 ha lúa của ông Nguyễn Hữu Song cùng địa phương cũng cho thu nhập cao.
Điều đáng nói trong vụ đông - xuân này là, bà con thu hoạch đến đâu thương lái thu mua đến đó. Chị Nguyễn Thị Thêm, cho biết: “Chuẩn bị máy xuống đồng cắt lúa gọi điện thoại là lát sau có thương lái đến mua. Bà con cần tiền thì bán lúa tươi ngay tại đồng, hộ nào có công phơi thì đưa về nhà bán sau. Giá lúa phơi “hai nắng’ cao hơn lúa tươi 1.000 đồng/kg.
Vụ đông - xuân này, huyện Ninh Hải có chủ trương đưa vào sản xuất các giống lúa ngắn ngày như OMCS 2000, OMCS 94, áp dụng cho những nơi thiếu nước, dễ bị ảnh hưởng lũ, nhưng chỉ thực hiện nhiều ở các xã Phương Hải, Tri Hải. Những địa phương khác bà con vẫn quen sản xuất các giống lúa truyền thống như: TH6, TH4, KD 18… Theo kế hoạch, cuối tháng 4 này địa phương thu hoạch xong vụ lúa đông - xuân và triển khai sản xuất ngay vụ hè – thu, dự kiến xuống giống đợt 1 vào đầu tháng 5.
Tuấn Anh