Phước Hữu: Huy động sức dân xây dựng nông thôn mới

(NTO) Phước Hữu là một trong những xã đông dân của huyện Ninh Phước với trên 15.000 người, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Từ khi Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM) được triển khai, Đảng ủy xã Phước Hữu đã nhận được sự đồng thuận cao từ phía nhân dân địa phương. Nhờ đó, xã đã huy động được sức dân chung tay xây dựng NTM.

 
Một góc thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu. Ảnh: VănThanh

Nơi “ý Đảng, lòng dân” được phát huy

Xác định vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng NTM, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Phước Hữu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để toàn dân nắm bắt mục tiêu của Nghị quyết về xây dựng NTM. Đồng chí Hán Nghiệm, Chủ tịch UBND xã Phước Hữu cho biết: “Nhờ hiểu được xây dựng NTM là xây dựng cuộc sống no ấm, nhân dân trong xã tích cực hưởng ứng. Điều này thể hiện rõ qua các phong trào huy động sức dân. Ngoài xây dựng cổng làng văn hóa tại 7/7 thôn hoàn toàn do dân đóng góp tiền và ngày công, phải kể đến công trình đường nông thôn từ chợ La Chữ ra đồng Cao được Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh đầu tư, vì lợi ích cộng đồng đã có 21 hộ dân “hiến đất” mở rộng đường”. Minh chứng cho lời nói của đồng chí Chủ tịch UBND xã, chúng tôi tìm về thôn La Chữ, nơi có 21 hộ dân “hiến đất”, mở rộng 2.032 m đường giao thông nông thôn phục vụ đi lại và sản xuất, vận chuyển hàng hóa. Anh Đặng Văn Dũng, Trưởng thôn La Chữ không ngần ngại đưa chúng tôi đi trọn “con đường mới”. Vừa đi, anh Dũng vừa kể: “Khi có dự án làm đường bê-tông cho thôn, người dân rất ủng hộ, bởi đây là đoạn đường “huyết mạch” vận chuyển nông sản ra trung tâm xã. Phương án mở rộng đường được thông qua, đa số bà con đồng tình ủng hộ. Song cũng lác đác một vài hộ còn “ngần ngại”. Đảng ủy xã cùng với Chi bộ thôn đã tích cực tuyên truyền, vận động và thành quả mang lại là con đường bê-tông rộng đẹp”. Phát huy quyền làm chủ của dân, xã đã chỉ đạo thôn thành lập Tổ giám sát cộng đồng có nhiệm vụ phối hợp với Ban quản lý, đơn vị thi công tổ chức giám sát việc thực hiện công trình. Đường được khởi công từ tháng 11-2011, với tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ đồng. Anh Hà Công Sơn, một trong 21 hộ dân thôn La Chữ “hiến đất” hồ hởi nói: “Không ai trong chúng tôi nghĩ rằng đoạn đường đi rẫy, đi đồng này đã được bê-tông hóa. Nhà nước đã đầu tư vốn, người dân bớt đi một phần nhỏ đất sản xuất, là có được con đường rộng rãi. Từ nay, mùa mưa, con em mấy chục hộ dân ở đây không còn ngại đi học trên con đường đất lầy lội; thương nhân thu mua nông sản hết lý do khấu trừ chi phí, ép giá”.

Tiếp lời anh Sơn, Trưởng thôn Dũng diễn giải: “Từ trước tới nay, hễ cứ thu mua nông sản khu vực đồng Cao là người mua lại trả thấp hơn từ 3.000-4.000 đồng/kg so với giá thị trường. Việc thu hoạch lúa cũng tương tự, bên này bờ tràn là 180.000 đồng/sào thì bên kia bờ tràn là 250.000 đồng/sào vì khâu vận chuyển máy, vận chuyển lúa khó khăn. Nhìn vào con đường nhầy nhụa bùn lầy nông dân chỉ biết ngậm ngùi “chịu thiệt”. Chỉ cần bà con nghĩ nôm na là bớt chút đỉnh đất mà được hưởng lợi lâu dài thì ai cũng đồng ý hết. Bởi xây dựng NTM là phục vụ cho chính cuộc sống của người dân chúng tôi mà!”

Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống từ sức dân

Nhờ sự đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, những năm gần đây, bộ mặt nông nghiệp-nông thôn xã Phước Hữu dần thay đổi, đời sống nông dân có nhiều khởi sắc. Từ nguồn nước ổn định của công trình thủy lợi hồ Tân Giang, nông dân trong xã đã chuyển từ đồng lúa sản xuất 1 vụ sang 2 vụ, kết hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, nâng tổng diện tích gieo trồng toàn xã lên 4.230 ha. Trong canh tác nông nghiệp, các khâu làm đất, thu hoạch đều đã được cơ giới hóa. Toàn xã có trên 76 máy cày, 25 máy gặt đập liên hợp và 23 máy xay xát lúa. Kinh tế hợp tác xã được duy trì và hoạt động hiệu quả. Tổng đàn gia súc, gia cầm trên 13.400 con, đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân.

Sản xuất nông nghiệp phát triển đã giúp kinh tế xã Phước Hữu tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người hơn 9 triệu đồng/người/năm. Văn hóa, giáo dục, y tế cơ bản đảm bảo nhu cầu của người dân. Qua đó cho thấy, nền tảng kinh tế-xã hội bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương “bắt tay” thực hiện Nghị quyết xây dựng NTM.

 
Mùa thu hoạch lúa của đồng bào Chăm thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu. Ảnh: Sơn Ngọc

Đồng chí Hán Nghiệm cho biết thêm: “Hiện nay Phước Hữu đã có 3km đường nội thôn được bê-tông hóa, đa số hộ dân có điện thắp sáng và có nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Các thôn Mông Đức, Nhuận Đức đã có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh; các thôn La Chữ, Hậu Sanh đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp theo mô hình nông thôn mới. Tuy nhiên để thực sự đạt theo các tiêu chí về NTM, hiện nay, xã đang tiến hành khảo sát lại các tiêu chí để hoàn thành đề án xây dựng NTM, trong đó tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phát triển chăn nuôi, nâng cao đời sống nhân dân. Trên cơ sở huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, phấn đấu đến năm 2015, cơ bản đạt xã NTM của huyện Ninh Phước”.

Chủ trương xây dựng NTM đã và đang từng bước đi vào cuộc sống của người dân Phước Hữu. Sự chung sức, chung lòng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã được ghi dấu qua những công trình “ý Đảng, lòng dân”, không những phục vụ cho sản xuất, phát triển kinh tế của người dân mà còn tạo bộ mặt mới cho nông thôn Phước Hữu. Cánh đồng Cao đang vào mùa thu hoạch. Con đường mới về làng La Chữ đã thổi bừng sức sống mới cho một vùng quê. Tin tưởng rằng, với sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành trong tỉnh cùng sự nỗ lực của địa phương, xã Phước Hữu sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết về xây dựng NTM như đã đề ra.