Sau nhiều năm nghiên cứu vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng, ngoài nguyên nhân sinh lý ra, hiện tượng điếc ở người cao tuổi còn có liên quan đến việc ăn uống không hợp lý, nếu biết sớm chú ý điều chỉnh ăn uống thì có thể đề phòng được. Điếc được chia ra các thể: Điếc dẫn truyền và điếc tiếp nhận.
Điếc tiếp nhận: Ở thể điếc này, các bộ phận dẫn truyền hoạt động bình thường, nhưng tai trong bị tổn thương, khiến các âm thanh truyền đến tai không được tiếp nhận và truyền tín hiệu lên não. Thể điếc tiếp nhận thường gặp ở những người cao tuổi, những người phải làm việc trong môi trường có nhiều tiếng ồn thời gian dài khiến các tế bào của ốc tai bị tổn thương.
Ngoài ra, điếc tiếp nhận còn có thể do các loại vi khuẩn hoặc vi-rút trong các bệnh như: Viêm màng não, quai bị… gây nên. Ở thể điếc tiếp nhận, người bệnh có thể bị điếc ở nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến điếc nặng hoặc điếc sâu, thậm chí có thể bị điếc hoàn toàn.
Biểu hiện triệu chứng của điếc cho thấy, những người bệnh điếc tùy vào mức độ nặng, nhẹ khác nhau sẽ có những biểu hiện khác nhau.
Điếc nhẹ: Có thể nghe và nhắc lại giọng ở mức âm bình thường từ khoảng cách 1m.
Điếc trung bình: Nghe và nhắc lại giọng nói với mức âm lớn từ khoảng cách 1m.
Điếc nặng: Chỉ nghe được một số từ được hét lớn vào tai.
Điếc sâu: Không thể nghe tiếng hét to vào tai.
Phòng bệnh điếc ở người cao tuổi bằng chế độ ăn nhiều thức ăn có chứa nhiều chất sắt vì ở người chuyển sang tuổi già, hàm lượng sắt trong máu thấp hơn rõ rệt so với người bình thường, hệ thống máu biến đổi, các vi ti huyết quản ở tai bị hẹp đi, mất tính đàn hồi, máu khó chảy.
Thiếu chất sắt trong cơ thể, năng lực chuyên chở oxy của tế bào hồng cầu bị giảm sút, làm cho tế bào thính giác trong tai thiếu chất dinh dưỡng, qua đó sinh bệnh điếc. Cải thiện tình trạng này ngay từ tuổi trung niên trở đi, nên ăn thêm các thức ăn giàu chất sắt như: Mộc nhĩ đen, gan động vật, thịt nạc, rau cần, rau chân vịt…
Ăn nhiều thức ăn chứa chất kẽm, nguyên tố kẽm (Zn) có tác dụng vô cùng quan trọng đối với thính lực. Hàm lượng kẽm ở ốc tai cao hơn hẳn so với bất kỳ bộ phận nào khác trong cơ thể; nhưng khi ngoài 60 tuổi thì giảm đi rõ rệt, gây trở ngại cho hoạt động chức năng của ốc tai. Bởi vậy, khi sang tuổi trung niên nên ăn cá, đậu nành, rau cải, cà rốt, các loại hải sản, là thực phẩm chứa nhiều kẽm.
Bổ sung vitamin D: Vitamin D có ảnh hưởng trực tiếp kỳ lạ đến thính lực của người cao tuổi. Trong vitamin D chủ yếu có vitamin D2 và D3, hai loại này phải được hòa tan trong dầu mỡ thì cơ thể người mới có thể hấp thu được. Các loại nấm và mộc nhĩ trắng (ngân nhĩ) đều chứa vitamin D2.
Gan cá biển có hàm lượng vitamin D3 cao nhất; gan gia cầm, gia súc và trứng cũng chứa vitamin D3. Trong các mô da và mỡ người có chứa một chất dehydrocholesterol, sau khi được chiếu bởi tia cực tím trong ánh nắng mặt trời nó có thể hình thành vitamin D3. Bởi vậy, người cao tuổi cần thường xuyên ra nắng.
Ăn nhiều thức ăn hạ mỡ máu: Mỡ máu tăng lên là hiện tượng thường thấy ở người trung niên và già, phần lớn là do ăn nhiều và ăn lâu dài các thứ thịt, cá, trứng. Kết quả sẽ làm giảm thính lực của người cao tuổi.
Đó là do mỡ máu cao gây trở ngại cho sự tuần hoàn máu trong nội nhĩ, và do lượng các chất oxy hóa ở nội nhĩ tăng lên. Từ đó cho thấy, thay đổi các thói quen không tốt về ăn uống và ăn nhiều rau quả tươi sẽ có ích cho việc dự phòng chứng điếc ở người cao tuổi.
Nguồn Báo Nông nghiệp Việt Nam