Tạo sức bật trong xây dựng xã nông thôn mới

Là 1 trong 3 xã điểm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng (XD) nông thôn mới (NTM) của huyện Thới Lai, bên cạnh việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, xã Đông Bình tập trung tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Trong công tác này, Đông Bình xác định triển khai thực hiện mô hình Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) nhằm tạo bước đột phá là cơ hội để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân.

Nhu cầu bức thiết

Hiện nay, xã Đông Bình đạt 7/20 tiêu chí theo Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về XD NTM. Trong năm 2012, ngoài việc củng cố và nâng chất các tiêu chí đã đạt được, Đông Bình phấn đấu đạt thêm 4 tiêu chí (nước sạch, môi trường, nhà ở dân cư và dịch vụ công), nâng tổng số tiêu chí đạt lên 11/20 tiêu chí. Theo UBND xã Đông Bình, năm 2011, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 17,5 triệu đồng/người và phấn đấu tăng lên từ 19-20 triệu đồng/người trong năm 2012. Do đó, ngoài việc tập trung đầu tư XD kết cấu hạ tầng nông thôn, xã Đông Bình còn quan tâm đến nâng cao thu nhập cho người dân, tạo tiền đề huy động vốn từ nhân dân trong XD NTM.

 
Thực hiện mô hình CĐML là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong XD NTM ở xã Đông Bình. Trong ảnh: Đồng chí Trần Thanh Mẫn (bìa phải), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ tham quan CĐML ở xã Đông Bình trong vụ đông xuân 2011-2012.

Tiếp thu Nghị quyết 06 của Huyện ủy Thới Lai về phát triển mô hình kinh tế hộ và thực hiện công tác XD NTM giai đoạn 2011-2014, xã Đông Bình chỉ đạo các ban, ngành từ xã đến ấp tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong đó, đặc biệt chuyển đổi từ sản xuất lúa thường sang sản xuất lúa chất lượng cao, lúa cao sản nhằm gia tăng năng suất, sản lượng lúa trên cùng một diện tích. Ông Lương Việt Vững, Chủ tịch UBND xã Đông Bình, cho biết: “Sản xuất nông nghiệp của xã chủ yếu là độc canh cây lúa. Do đó, ngành nông nghiệp huyện đang hướng tới chương trình XD những cánh đồng lúa chất lượng cao, quy mô lớn nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Trong đó, liên kết sản xuất theo mô hình CĐML gắn XD NTM là giải pháp tối ưu, phù hợp với điều kiện thực tiễn và tình hình sản xuất lúa tại địa phương”.

Vụ đông xuân 2011-2012, xã Đông Bình triển khai XD mô hình CĐML quy mô hơn 420ha, tại ấp Đông Giang và ấp Đông Phước với 297 nông hộ tham gia. Mặc dù đây là vụ đầu tiên thực hiện nhưng kết quả đạt được rất khả quan. Năng suất lúa trong CĐML đạt 8 tấn/ha, cao hơn 0,38 tấn/ha so với năng suất bình quân toàn huyện; chi phí sản xuất giảm còn 22 triệu đồng/ha thay vì khoảng 25 triệu đồng/ha như trước đây. Ông Trần Điền Lan, nông dân ấp Đông Giang, xã Đông Bình phấn khởi chia sẻ: “Làm ruộng bây giờ nhẹ công hơn rất nhiều. Điển hình như thu hoạch đã được cơ giới hóa bằng máy gặt đập liên hợp, số lần phun xịt thuốc cũng giảm hơn trước... Trước đây, lúa thu hoạch xong, chúng tôi lo nhất là đầu ra. Nhưng vào CĐML, doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu ngay đầu vụ nên không còn sợ cảnh “được mùa, mất giá” hay thương lái ép giá như trước”.

Cần trợ lực

Qua vụ đầu tiên thực hiện, mô hình CĐML đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nông dân, đồng thời giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo nên được nông dân ủng hộ và tự nguyện đăng ký tham gia. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Thới Lai, mặc dù được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp-nông dân nhưng số lượng doanh nghiệp tham gia cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra còn hạn chế. Bên cạnh đó, do chưa thật sự tin tưởng vào mô hình sản xuất mới nên một số nông dân còn tâm lý e ngại, sản xuất theo tập quán cũ, chưa áp dụng triệt để các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.

Ông Lương Việt Vững, Chủ tịch UBND xã Đông Bình, cho biết: “Thời gian tới, trong công tác XD NTM, xã Đông Bình tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, dựa trên cơ sở lồng ghép các chương trình, dự án đang triển khai tại địa phương. Xã tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nền sản xuất hàng hóa, triển khai nhân rộng mô hình CĐML trong vụ hè thu 2012 và những năm tiếp theo”. Vụ hè thu 2012, CĐML ở ấp Đông Giang và ấp Đông Phước tiếp tục được nhân rộng với diện tích hơn 872 ha. Song song với công tác vận động, tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, tạo được sự đồng thuận trong XD mô hình CĐML nói riêng và XD NTM nói chung, Đông Bình tiếp tục làm tròn vai trò “chất kết dính” giữa doanh nghiêp-nông dân trong việc hỗ trợ đầu vào và tìm đầu ra cho hạt lúa. Đây là khâu then chốt nhằm giảm tối đa chi phí sản xuất, lượt bỏ tầng nấc trung gian trong khâu tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Qua đó, chứng minh cho người dân thấy mục tiêu XD NTM không tách rời mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội địa phương và họ chính là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên từ việc thực hiện chương trình.

Bà Lưu Thị Lan, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Gentraco, cho biết: “Vụ đông xuân 2011-2012, đối với CĐML ở xã Đông Bình, công ty mua lúa cao hơn thị trường từ 50-250 đồng/kg. Mặc dù đây là vụ đầu tiên công ty ký hợp đồng bao tiêu nhưng nông dân rất có ý thức trong việc tuân thủ hợp đồng. Cái khó là do hệ thống kênh mương chằng chịt gây trở ngại trong việc vận chuyển đã ảnh hưởng đến công tác bao tiêu lúa cho nông dân. Do đó, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ nâng cấp hệ thống thủy lợi theo hướng kết hợp giao thông nội đồng nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa tập trung”. Có thể thấy rằng, CĐML là con đường ngắn nhất nhằm chuyển đổi mục tiêu sản xuất lúa từ số lượng sang chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh ngành sản xuất lúa gạo tại địa phương. Nếu mô hình CĐML được thực hiện bài bản và đúng quy trình, hiệu quả kinh tế mang lại sẽ rất cao và đây là tiền đề để tạo bước đột phá trong XD NTM...

Nguồn Báo điện tử Cần Thơ