Sau lễ phát động “Toàn tỉnh chung sức xây dựng NTM” đến nay, phong trào xây dựng nông thôn mới đã được phát động sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Hiến đất làm đường GTNT là một trong những phong trào phát triển sôi động
trong hơn 2 năm thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM ở Hà Tĩnh
Toàn tỉnh đã có 12 trên 12 huyện, thị thành tổ chức phát động phong trào “Toàn huyện xây dựng nông thôn mới". Nhiều tổ chức đoàn thể đã tổ chức các Hội thi tìm hiểu về xây dựng nông thôn mới trong cán bộ, hội viên. Các cơ quan truyền thông trên địa bàn đã tăng thời lượng tin bài về xây dựng NTM.
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối các huyện, thị xã, thành phố, Đến nay, có 100% xã đã ký hợp đồng xây dựng quy hoạch với đơn vị tư vấn; 233/235 xã đã phê duyệt quy hoạch; 100% số xã đã phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới và đề án phát triển sản xuất.
Phong trào tham gia xây dựng NTM đã có bước chuyển rõ nét, thể hiện bằng cách làm hay và những kết quả thiết thực ở nhiều địa phương như: quy hoạch lại đồng ruộng, cơ giới hóa trong sản xuất; hợp tác xây dựng mô hình sản xuất rau củ quả hữu cơ công nghệ cao; xây dựng các mô hình nuôi tôm công nghiệp; phát triển chăn nuôi, triển khai mô hình xây dựng bể khí biôga; làng nghề sản xuất mây tre đan xuất khẩu; phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác; làm đường giao thông nông thôn, xây dựng và vận hành thành công trang web NTM Hà Tĩnh…
Lãnh đạo Sở NN&PTNT cùng đoàn chuyên gia Đài Loan khảo sát vùng sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao ở xã Kỳ Hoa (Kỳ Anh)
Đặc biệt, thông qua công tác tuyên truyền, vận động, qua những hoạt động cụ thể và thiết thực, nhận thức của đông đảo quần chúng nhân dân về NTM và xây dựng NTM đã được nâng lên một cách đáng kể. Mỗi người dân đều đã hiểu được, xây dựng NTM chính là xây dựng cuộc sống mới của chính mình cho ấm no hơn, văn minh và giàu mạnh hơn. Biểu hiện rõ nhất là trong việc hiến đất để làm đường giao thông.
Để phát triển hệ thống giao thông nông thôn, đã có hàng trăm ngàn mét vuông đất và nhiều của cải trên đất được hiến trong sự phấn chấn và háo hức của người dân. Bà Nguyễn Thị Phong, một trong những giáo dân đi đầu trong việc hiến đất mở đường ở thôn Trung, xã Thạch Hạ tâm sự: “Xây dựng NTM là xây dựng cuộc sống cho chính mình. Vì vậy chúng tôi sẵn sàng hy sinh một phần đất đai, tài sản của gia đình cho địa phương làm đường, góp phần thực hiện hoàn thành chương trình xây dựng NTM”.
Hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” và các văn bản của UBND tỉnh về việc các cơ quan, đơn vị nhận đỡ đầu, tài trợ cho các địa phương xây dựng NTM, thời gian qua, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã nhận đỡ đầu cho các xã và đăng ký tài trợ với nhiều hình thức khác nhau.
Ký kết đỡ đầu xây dựng nông thôn mới giữa Sở NN&PTNT, Văn phòng điều phối
Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh với UBND xã Tượng Sơn (Thạch Hà)
Đến nay đã có 56 đơn vị tham gia đỡ đầu và 19 đơn vị tài trợ các xã xây dựng NTM với số tiền gần 20 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn - Chi nhánh Hà Tĩnh là doanh nghiệp trong tỉnh có mức tài trợ khá lớn với 3 tỷ đồng xây dựng Trạm y tế xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, có thể nói việc thực hiện chương trình xây dựng NTM ở tỉnh ta trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: tiến độ lập đồ án quy hoạch xây dựng NTM và 2 đề án còn chậm, chất lượng chưa cao; việc xác định sản phẩm chủ lực theo từng xã, từng vùng và giải pháp phát triển còn nhiều lúng túng; phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn đang là vấn đề nan giải; giải ngân nguồn vốn thực hiện chương trình chưa đảm bảo tiến độ; việc nhận đỡ đầu, tài trợ cho các xã xây dựng NTM chưa đi vào chiều sâu, còn mang tính hình thức và hiệu quả chưa cao…
Trên cơ sở những kết quả đạt được và những yếu kém, tồn tại nêu trên, Ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM của tỉnh đã đề ra mục tiêu và các chỉ tiêu cụ thể để thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, đó là: tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân; nỗ lực phấn đấu hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM theo đúng tiến độ, lộ trình và kế hoạch đề ra.
Đảm bảo các xã NTM là xã có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; xã hội nông thôn dân chủ, văn minh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; chính trị, quốc phòng, an ninh được giữ vững; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Làng nghề mây tre đan xuất khẩu Tân Lộc (Can Lộc) đang được khôi phục và đi vào phát triển ổn định
Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Võ Kim Cự từng nhấn mạnh: “Xây dựng NTM là vấn đề lâu dài và khó khăn nhưng rất hợp với lòng dân. Vì vậy dù khó khăn, gian khổ bao nhiêu cũng phải làm và làm bằng được. Nếu làm được điều gì để hợp lòng dân, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho dân thì không thể nề hà. Phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Xây dựng NTM nhất thiết phải có cái mới, có hiệu quả và kết quả mới, tức là phải có đời sống của nhân dân được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần”.
Thực tiễn triển khai thực hiện chương trình trong thời gian qua có thể thấy rằng, để Chương trình xây dựng NTM vừa phát triển sâu rộng, vừa có tính đa dạng trên tất cả các lĩnh vực và đạt hiệu quả cao, thì nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay là phải tăng cường khâu tổ chức sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa. Muốn đạt được mục tiêu này cần có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã và người nông dân; nâng cao tinh thần trách nhiệm và quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Đồng thời có sự hỗ trợ đắc lực trên phương diện tài trợ và đỡ đầu của các đơn vị, tổ chức cho các địa phương xây dựng nông thôn mới bằng cả tình cảm và trách nhiệm; chia sẽ những khó khăn với cấp ủy, chính quyền đoàn thể các địa phương.
Nguồn Báo Hà Tĩnh Online