Dạy nghề cho lao động nông thôn: “Tiếp sức” xây dựng nông thôn mới

Thực tế xây dựng nông thôn mới (NTM) cho thấy, trong số 19 tiêu chí thì tiêu chí chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân là "cửa ải" khó nhất. Cũng vì thế, khi Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020 (Đề án 1956) của Chính phủ triển khai, các địa phương đều đón nhận rất nhiệt tình. Đây được coi là nguồn lực quan trọng "tiếp sức" xây dựng NTM.

Thành công từ Thụy Hương

Trở lại xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ sau một thời gian địa phương đồng loạt tổ chức các lớp dạy nghề cho LĐNT theo Đề án 1956 của Chính phủ, nghề đã phát huy giúp người dân ổn định cuộc sống và làm giàu. Anh Nguyễn Văn Bình, thôn Phúc Cầu cho hay, năm 2011, sau khi tốt nghiệp THPT, anh đăng ký tham gia lớp học nghề mộc dân dụng tổ chức ngay tại địa phương, sau 3 tháng học, cầm chứng chỉ nghề trong tay, anh xin vào làm trong một xưởng mộc tại thôn. Có việc làm ổn định, mỗi tháng, anh Bình được nhận lương 6 triệu đồng - số tiền không nhỏ đối với LĐNT.

Theo Chủ tịch UBND xã Thụy Hương Nguyễn Đức Học, từ khi được chọn làm điểm xây dựng NTM (năm 2009), địa phương đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều ngành chức năng như Tổng cục Dạy nghề, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Giống… đưa nhiều chương trình dạy nghề, hướng nghiệp đến với LĐNT. Riêng đối với các lớp nghề theo Đề án 1956, từ năm 2009 đến nay, xã Thụy Hương đã mở được 15 lớp với các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp như móc sợi, mộc dân dụng, điêu khắc, trồng hoa, cây cảnh, lúa chất lượng cao, rau an toàn và cây ăn quả…Công tác dạy nghề có khảo sát, gắn với thực tế của người lao động và quy hoạch phát triển KTXH của địa phương nên được người dân nhiệt tình đón nhận. Là xã có nghề mộc truyền thống, nhu cầu được học và nâng cao tay nghề của người dân rất lớn nên xã đã mở nhiều lớp nghề mộc. Triển khai xây dựng NTM, địa phương đã quy hoạch các vùng trồng rau an toàn, hoa, cây cảnh nên cũng rất cần dạy nông dân những kiến thức trồng, chăm sóc để họ có kỹ năng làm việc, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Thực tế sau hơn 2 năm đào tạo nghề cho LĐNT đã đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu học nghề của nông dân trong xã và mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Tại thôn Trung Tiến, trước khi mở lớp dạy nghề móc sợi, thôn chỉ có 25 hộ làm nghề, đến nay đã nhân ra hàng trăm hộ; đối với nghề mộc, do được đào tạo bài bản nên thu nhập bình quân của thợ mộc đã tăng từ 4 - 5 triệu đồng/tháng (trước mỗi thợ chỉ thu nhập từ 2-3 triệu đồng/tháng, nay là 6-8 triệu đồng/tháng.

Dạy nghề phải gắn với nhu cầu lao động thực tế

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng thành công trong công tác dạy nghề cho LĐNT. Tại xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phú Thành cho hay, xã có 1.800 hộ dân thì có tới 700 hộ bị ảnh hưởng bởi thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Nông dân thiếu việc làm nhưng việc dạy nghề cho LĐNT ở đây lại không được mấy người quan tâm. Bằng chứng là các lớp dạy nghề dù thông báo rộng rãi nhưng vận động mãi vẫn không có người học. Một số lớp đã mở được như may công nghiệp, mây tre đan… nhưng số người trụ lại với nghề sau học không nhiều. Nguyên nhân do thu nhập từ nghề phụ thấp so với các công việc khác, nhiều nghề không phù hợp với địa phương như không tiện nguồn nguyên liệu, không có đầu ra cho sản phẩm, giá cả không ổn định…

Thống kê trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, số lượng lao động ngoại thành chưa qua đào tạo nghề rất cao, khoảng 84,06% chủ yếu tập trung ở độ tuổi từ 18-43. Trong đó, việc phân bố lao động qua đào tạo không đồng đều và có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng nông thôn. Có huyện tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo lên trên 90% như: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Ba Vì, Chương Mỹ... Điều này dẫn đến tình trạng nhiều vùng nông thôn dôi dư lao động nhưng thiếu đội ngũ thợ lành nghề. Phần lớn, LĐNT Hà Nội hiện nay làm việc trong tình trạng "đói kiến thức", kỹ năng sản xuất của họ thông qua kinh nghiệm là chính.

TP Hà Nội đặt mục tiêu, đến năm 2015, nâng tỷ lệ LĐNT được đào tạo lên 45% và đến năm 2020 là 70%, bình quân hằng năm đào tạo nghề cho 62.000 LĐNT. Trong đó, giai đoạn 2011-2015 đào tạo cho 310.000 lao động, bao gồm 79.000 người qua các trường, lớp cao đẳng, trung cấp nghề, 57.000 người qua sơ cấp, 174.000 người đào tạo ở các loại hình dưới 3 tháng... Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để chương trình đào tạo nghề cho LĐNT đạt mục tiêu đề ra và mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân, tránh lãng phí, công tác dạy nghề cần phải tổ chức theo nhu cầu thực tế của từng địa phương, bên cạnh đó là gắn công tác này với trách nhiệm của địa phương và doanh nghiệp. Việc đào tạo nghề phải theo hướng nông dân cần gì thì đào tạo cái đó mới thu hút được người lao động. Làm tốt công tác này là con đường có hiệu quả nhất, ứng dụng khoa học, công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn trong quá trình xây dựng NTM của Hà Nội.

Nguồn www.nongthonmoi.gov.vn