Hãy xem các thủ khoa ôn thi thế nào ?

(NTO) Với điểm thi vào đại học đạt 30/30, một số thí sinh đã đậu thủ khoa đồng thời ở cả hai trường ĐH thuộc hai khối thi khác nhau. Họ đã làm gì để đạt được kết quả này?

Thủ khoa Trịnh Ngọc Dương đạt 30/30 điểm vào Trường ĐH Dược Hà Nội và 28,5 điểm vào ĐH Y Hà Nội cho biết:

Sau khi được trao giải khuyến khích của báo Toán Học Và Tuổi Trẻ về bài giải toán hay, giải khuyến khích của cuộc thi “Chào IMO” dành cho học sinh thích toán học, tôi nghĩ đến một cách “vừa học vừa giải trí”.

Tôi không nhớ nổi đã giải bao nhiêu bài toán in trên Toán Học Và Tuổi Trẻ, chỉ biết bắt đầu mua báo từ năm học lớp 9 và số nào ra cũng miệt mài giải hết những đề bài toán in trên đó, giải rồi gửi cho tòa soạn. Có những bài nghĩ nhiều ngày mới ra, cũng có những bài đến giờ chưa tìm được lời giải. Học có hứng thú sẽ nhập tâm rất nhanh, việc học tập không còn nặng nề. Dĩ nhiên để “vừa học vừa giải trí”, trước hết phải nắm chắc kiến thức được học trong chương trình, các dạng toán cơ bản. Tiếp đó mới nghĩ đến việc tìm lời giải ngắn gọn thông minh hơn.

Các môn học khác cũng thế, không nên để nước đến chân mới nhảy mà nên cố gắng nắm vững kiến thức cơ bản ngay trong quá trình học. Ôn thi chỉ là thời gian để hệ thống kiến thức và luyện thao tác làm bài. Phải tự mình hệ thống kiến thức mới bao quát được chương trình học, biết thiếu hụt gì để bổ sung. Còn việc chạy theo các lớp ôn luyện, ghi chép tất cả những gì thầy dạy thành một mớ kiến thức hỗn độn là cách ôn thi không hiệu quả, thậm chí không mang lại kết quả tốt.

Kiểu ra đề thi đại học các môn lý, hóa không khó, nhưng các câu hỏi đa dạng, diện kiến thức rộng nên phần lý thuyết chỉ học thuộc lòng mà không hiểu có khi cũng không đạt được điểm. Tốt nhất là học nhưng phải hiểu và luyện thao tác làm nhanh, câu nào dễ làm trước, sau đó quay lại làm những câu khó. Tận dụng tối đa thời gian để có điểm.

Khối A vẫn là khối tôi đặt hi vọng hơn nên dành nhiều thời gian học chắc, sau đó học thêm môn sinh.

Thủ khoa Chu Thị Kim Liên đạt 30/30 điểm vào ĐH Y Thái Bình (khối B) và 28,75 điểm vào Học viện Tài chính (khối A):

Tôi học chuyên toán ở Trường THPT Hưng Yên, vì vậy môn toán là thế mạnh không tốn nhiều thời gian cho việc ôn thi vào đại học. Thi vào khối A là sự lựa chọn có phần chắc chắn hơn. Tuy nhiên môn sinh là môn tôi yêu thích và có sự say mê. Vì thế tôi muốn thử sức thi thêm khối B và phải học thêm môn sinh bên cạnh các môn thi của khối A.

Việc ôn luyện thi vào đại học với tôi tương đối thoải mái vì kiến thức đã nắm chắc trong quá trình học. Nếu bạn thí sinh nào năm nay còn chưa nắm vững kiến thức cơ bản trong chương trình thì nên nhanh chóng ngồi lại tự tóm tắt một cách ngắn gọn phần kiến thức các môn phải thi. Phân bố thời gian để có thể ôn lại tất cả phần kiến thức đó, sao cho trước ngày thi khoảng 10 ngày phải nắm chắc kiến thức cơ bản.

Sau đó tham khảo thêm từ các tài liệu ôn thi, sách giáo khoa, dạng đề thi các năm trước để tập giải các bài tập, rèn thao tác làm bài thi nhanh, chính xác. Có thể tưởng tượng mình đang làm bài thi thật theo đúng thời gian quy định và tự chấm điểm. Thời gian ôn thi tôi cũng dành cho mình mười ngày sau cùng, mượn các đề thi toán - lý - hóa từ những năm trước photo thành 300 bản A4 và lần lượt ngồi tự làm. Nắm chắc kiến thức và kỹ năng làm bài thi sẽ là yếu tố khiến mình có được sự tự tin, bình tĩnh khi bước vào kỳ thi. Trong khi thi không nên nản chí khi các môn thi đầu bị đuối. Môn nào thi xong thì tạm quên để tập trung làm tốt các môn sau. Dù thế nào cũng không nên dễ dàng bỏ cuộc.