Thi tốt nghiệp THPT: Ghi nhớ hiệu quả môn khoa học xã hội

Với nhiều học sinh (HS) phổ thông, việc học và ghi nhớ kiến thức các môn như ngữ văn, lịch sử, địa lý… thường khó khăn.

1. Xác lập kiến thức đã học thành dàn ý

Trên cơ sở bài học trên lớp, HS cần tham khảo thêm tư liệu để hoàn chỉnh khối kiến thức. Về nhà tiến hành đọc để khắc sâu kiến thức lại 1-2 lần. Sau đó, xác lập khối lượng kiến thức đó dưới dạng một dàn ý (đề cương). Với các môn khoa học xã hội, không nên ghi nhớ theo kiểu máy móc, học vẹt, học tủ mà cần có các ghi nhớ theo cách hệ thống hóa các chương, mục, rồi mới phân tích các nội dung chi tiết, các đặc điểm... Trong hệ thống dàn ý đó, phải chia các ý chính và ý phụ đồng thời đi liền với nó là các đề mục tương ứng như: I, II, III (đối với các ý chính); 1, 2, 3… (đối với các ý phụ) nhằm tạo điều kiện cho quá trình học dễ nhớ, dễ thuộc hơn.

2. Ghi nhớ - chép thầm

Đó là phương pháp đọc nhẩm hoặc có thể vừa đọc nhẩm vừa dùng bút ghi ra giấy dàn ý đã xác lập nêu trên. Trong quá trình ghi nhớ thầm, nếu quên một ý nào đó thì phải xem lại kiến thức và ghi lại vào giấy nhiều lần ý đã quên. Phương pháp này phải tiến hành từ từ, trước tiên là học thuộc các ý chính để nắm nội dung toàn bài, sau đó học các ý nhỏ trong ý chính đó. Cuối cùng, phải hệ thống lại toàn bộ kiến thức bài học bằng cách ghi ra giấy như một dàn bài hoàn chỉnh rồi đọc nhẩm lại một lần nữa đến khi cảm thấy đã hoàn toàn thuộc hẳn thì mới chuyển sang học bài khác hoặc môn khác.

3. Vẽ bản đồ tư duy

Vẽ bản đồ tư duy cũng là một phương pháp học nhiều HS và sinh viên hiện nay áp dụng. Hiệu quả của cách học này rất hữu hiệu, nhất là với các môn khoa học xã hội. Trong quá trình đơn giản hóa khối kiến thức bài học bằng bản đồ tư duy, phải chú ý mối quan hệ giữa các kiến thức với nhau để tránh chồng chéo, nhầm lẫn giữa các đơn vị kiến thức. Ngoài ra, có thể dùng bút màu để tái hiện lại nội dung từng bài, từng chương đã học sao cho khoa học, dễ nắm bắt và dễ học thuộc hơn.

Nguồn Giaoduc.net.vn