Năm 2011 tỉnh ta báo cáo có 2999 ca tiêu chảy, trong đó có 867ca trẻ em tiêu chảy nhập viện, trên thực tế số ca tiêu chảy sẽ còn nhiều hơn; tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng ở tỉnh ta hiện là 22,1 % thể cân nặng và 29,7% thể thấp còi, trong đó có nguyên nhân tiêu chảy góp phần đáng kể.
Cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy tại nhà
- Trong tiêu chảy, nguy hiểm nhất là để xảy ra tình trạng mất nước và điện giải làm rối loạn chuyển hóa các chất, suy thận cấp, trụy tim mạch dẫn đến tử vong. Vì vậy khi bị tiêu chảy việc bù đủ nước và điện giải cho bệnh nhân được xem là ưu tiên hàng đầu. Khi thấy trẻ tiêu chảy lần đầu tiên là cho trẻ uống ngay dung dịch ORESOL, nhiều báo cáo cho thấy nếu người nhà cho trẻ bị tiêu chảy uống ngay dung dịch ORESOL trong lần tiêu chảy đầu tiên sẽ làm giảm đến hơn 60% số trẻ tiêu chảy phải nhập viện. Cho trẻ uống từng ít một bằng thìa, uống nhiều lần, uống thường xuyên và uống sau mỗi lần đi cầu, trẻ < 2 tuổi uống khoảng 50– 100ml, trẻ >2 tuổi uống 100 – 200ml; không nên cho trẻ uống một lần quá nhiều sẽ làm trẻ dễ nôn. Nếu nhà chưa có sẳn gói ORESOL thì có thể tự pha dung dịch cho trẻ bệnh uống như sau: cứ 1 lít nước chín để nguội pha thêm 2 gạt thìa canh đường (hoặc mật ong) và thìa gạt cà phê muối bột (6 gam) hoặc dùng 1 nắm gạo (50 gam), một chúm nhỏ muối (6 gam) cho vào 1,2 lít nước nấu nhừ còn 1 lít cho trẻ uống cũng được. Trong trường hợp trẻ uống dung dịch ORESOL ngán thì có thể cho uống thêm các loại dung dịch khác như nước dừa cho tí muối, nước trái cây pha loãng, nước cháo cũng rất tốt. Bù nước và điện giải cho trẻ sớm và đủ là rất cần thiết cho việc sớm khỏi bệnh và phòng suy dinh dưỡng sau này.
- Không nên cho trẻ uống ngay kháng sinh vì tiêu chảy có đến gần 80% là do Rotavirus và nhiều nguyên nhân khác không có hiệu quả khi dùng kháng sinh, có khi vì dùng kháng sinh sẽ làm rối loạn hệ vi khuẩn chí đường ruột làm bệnh tiêu chảy kéo dài và gây ra tình trạng kháng thuốc phổ biến hiện nay.
- Tiếp tục cho trẻ bú nhiều hơn, vẫn ăn thức ăn thường ngày nhưng nên nấu loãng hơn: bột, cháo nấu nhừ, sữa pha loãng hơn, mỗi lần ăn số lượng ít hơn để trẻ khỏi nôn nhưng lại cho ăn nhiều lần trong ngày để không giảm chất lượng bữa ăn hàng ngày của trẻ.
- Dùng thêm viên kẽm 20mg, trẻ < 6 tháng uống ½ viên/ ngày và trẻ > 6 tháng uống 1 viên/ngày hoà tan trong nước uống khi đói và uống liên tục trong 14 ngày.
- Thông thường bệnh tiêu chảy chỉ kéo dài khoảng 3 ngày đến 1 tuần. Sau khi hết tiêu chảy nên cho trẻ ăn thêm 01 bữa ăn mỗi ngày trong vòng 2 tuần để trẻ lấy lại sức khỏe và cân nặng.
- Thường xuyên theo dõi tình trạng bệnh nhân, nếu có một trong các triệu chứng sau thì cần đưa bệnh nhân cơ sở y tế khám bệnh ngay: Nôn nhiều không uống được; tiêu chảy quá nhiều hơn 10 lần/ngày; tiểu ít; đi cầu phân có máu hoặc đàm nhớt; trẻ có sốt và tiêu chảy kéo dài hơn 2 tuần.
Những điều không nên làm khi trẻ bị tiêu chảy:
- Tự ý cho trẻ uống ngay kháng sinh: dễ gây loạn khuẩn ruột và sự kháng thuốc;
- Cho trẻ uống các thuốc cầm tiêu chảy: như Termina, Mangostana, thuốc có chứa thuốc phiện như Paregoric, các loại nước sắc cây có chất chát như đọt ổi, vỏ măng cụt vì tiêu chảy giống như trường hợp tống thải vi khuẩn ra ngoài, nếu cầm tiêu chảy quá sớm sẽ tích tụ vi khuẩn, vi-rút trong đường ruột là không tốt;
- Không cho trẻ uống nước hoặc uống quá ít nước hoặc chỉ uống toàn nước chín để nguội vì sẽ thiếu chất điện giải và khả năng hấp thu nước vào cơ thể chậm hơn nhiều so với dung dịch ORESOL hoặc nước cháo muối;
- Không cho trẻ ăn hoặc kiêng cử quá mức hoặc hạn chế khẩu phần ăn của trẻ bệnh vì dù bị tiêu chảy, phần ruột không bị tổn thương vẫn có khả năng hấp thu thức ăn như bình thường
Phòng bệnh:
- Luôn sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt. Sử dụng nguồn thực phẩm có nguồn gốc và tươi, sạch, chú trọng dùng nguồn thực phẩm địa phương;
- Ăn chín, uống chín, hạn chế sử dùng nước đá và thực ăn đường phố không hợp vệ sinh;
- Người chăm sóc trẻ cần thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng và không cho trẻ ngậm tay; bản thân rửa tay bằng xà phòng trước khi chăm sóc trẻ, làm thức ăn, cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh, thay tả lót cho trẻ.
- Thường lau nền nhà, vệ sinh vật dụng hàng ngày của trẻ bằng nước xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn khác; không cho trẻ bò lê trên trên đất, cát;
- Phân trẻ em phải đổ vào nhà vệ sinh và dạy trẻ biết sử dụng tốt nhà vệ sinh khi đi cầu, đi tiểu.
BS Nguyễn Năm