Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị các cấp trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

(NTO) Mục tiêu lợi ích của Đảng ta là phục vụ nhân dân, bản chất của Nhà nước ta- Nhà nước xã hội chủ nghĩa là của dân, do dân, vì dân. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, pháp luật, quy định để duy trì mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước đều từ nhân dân, vì nhân dân.

Đồng chí Trần Minh Lực,
Ủy viên Ban Thường vụ,
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy

Quy chế dân chủ ở cơ sở là quy định bổn phận, trách nhiệm giữa 2 mối quan hệ: Thứ nhất, là mối quan hệ giữa người đứng đầu cơ quan, đơn vị các cấp với cán bộ, công chức người lao động trong cơ quan, đơn vị; Thứ hai, là mối quan hệ giữa cơ quan, đơn vị với tổ chức, cá nhân, doanh nhiệp và nhân dân có quan hệ giao dịch, làm việc với cơ quan, đơn vị. Quy định đó được thể hiện bằng Chỉ thị 30-CT/TW ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị và Kết luận 65-KL/TW ngày 8-3-2010 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20-4-2007 của UBTVQH về thực hiện Quy chế dân chủ xã, phường, thị trấn; Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 8-9-1998 của Chính phủ về Quy chế dân chủ trong hoạt động cơ quan, Nghị định số 07/1999/NĐ-CP ngày 13-2-1999 về Quy chế thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp Nhà nước, Nghị định 87/2007/NĐ-CP ngày 28-5-2007 về Quy chế thực hiện dân chủ ở công ty cổ phần công ty trách nhiệm hữu hạn và nhiều quy định, quy chế cụ thể của các ngành, các cấp để tổ chức thực hiện.

Tại tỉnh ta, nhiều năm qua, Tỉnh ủy đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện dân chủ cơ sở trên các loại hình cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần cải cách, đổi mới, hoàn thiện bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp các cấp theo hướng gần dân, lắng nghe, tôn trọng nhân dân và vì nhân dân phục vụ; góp phần tạo ổn định trong nhân dân, ổn định chính trị, xã hội; góp phần phát triển kinh tế-xã hội để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân tốt hơn và xây dựng tỉnh nhà phát triển, văn minh, giàu đẹp.

Tuy nhiên, qua kết quả kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trong năm 2011 cho thấy còn nhiều tồn tại hạn chế: Một số cơ quan, đơn vị chưa nắm chắc các văn bản của Đảng và pháp luật nhà nước về Quy chế dân chủ ở cơ sở, chưa thành lập các tổ chức để triển khai thực hiện, chưa ban hành cụ thể hóa các quy định, quy chế để thực hiện, chưa tạo điều kiện và thường xuyên duy trì việc thực hiện, chưa tiến hành hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trực thuộc việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở… trong đó đáng chú ý nhất là nguyên nhân chủ quan từ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương các cấp và chủ doanh nghiệp.

Để thực hiện tốt hai mối quan hệ mà Quy chế dân chủ ở cơ sở trong các loại hình cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp đã quy định, thì trách nhiệm, bổn phận người đứng đầu có vai trò quan trọng nhất.

Năm 2012, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả và thiết thực, Quy chế dân chủ ở cơ sở phải gắn với thực hiện NQTW4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và tăng cường trách nhiệm, bổn phận của người đứng đầu tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trong toàn tỉnh với một số nội dung chủ yếu:

Một là, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp (người đứng đầu cơ quan) cần nắm chắc những chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về Quy chế dân chủ ở cơ sở, để tự nâng cao nhận thức và tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi mình phụ trách, để luôn nhớ rằng: Mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước đều từ nhân dân, vì nhân dân.

Hai là, người đứng đầu cơ quan phải có trách nhiệm rà soát ban hành, bổ sung các quy định, quy chế cho phù hợp tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, đảm bảo theo hướng dân chủ, thiết thực và thực hiện đạt kết quả, hiệu quả.

Ba là, người đứng đầu cơ quan phải chủ động tạo điều kiện thuận lợi và duy trì việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp mình, gắn với triển khai nhiệm vụ công việc hằng tuần, hàng tháng, quý, năm; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị, bộ phận trực thuộc về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Chú ý việc đảm bảo dân chủ trên các lĩnh vực: tổ chức nhân sự, chế độ, chính sách cán bộ, công chức, tài chính, kinh phí, thực hiện các đề án, dự án, quyền lợi của cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân…

Bốn là, người đứng đầu cơ quan phải tự giác gương mẫu trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phải tự kiểm soát được mình để rèn luyện hằng ngày, nâng cao nhận thức chính trị, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống của bản thân. Đồng thời phải kiểm soát, quản lý được cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý, mình phụ trách, doanh nghiệp mình làm chủ, để hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện và kịp thời có biện pháp để nhắc nhở, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện mất dân chủ, biểu hiện hình thức trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.