Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TƯ xem xét nhiều đề án quan trọng

Ngày 9/4, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương họp phiên thứ 5 dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Ảnh: Chinhphu.vn

Ban Chỉ đạo đã nghe báo cáo, thảo luận về Đề án tổ chức lại hệ thống cơ quan điều tra; các đề án về đổi mới tổ chức, hoạt động các cơ quan tư pháp trong Quân đội nhân dân Việt Nam; báo cáo việc chuẩn bị thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và Viện Kiểm sát nhân dân khu vực theo tinh thần Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị; dự thảo Báo cáo Bộ Chính trị về kết quả hoạt động nhiệm kỳ 2006 – 2010 và đề xuất phương hướng công tác nhiệm kỳ 2011 – 2016.

Thảo luận về nội dung các đề án nêu trên, các đại biểu cho rằng, đây là các đề án quan trọng được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Việc xây dựng các đề án đã có sự chuẩn bị công phu, có tổng kết và tham khảo mô hình của các nước, có tính lý luận và thực tiễn, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra về cải cách tư pháp. Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ như “Đề án tổ chức lại hệ thống cơ quan điều tra” tuy đã nêu được thực trạng công tác điều tra của các cơ quan điều tra, nhưng cần đánh giá khách quan hơn mô hình điều tra hiện nay theo hướng thu gọn đầu mối.

Các đề án đổi mới tổ chức hoạt động các cơ quan tư pháp trong Quân đội nhân dân Việt Nam đã khái quát được các giai đoạn, có căn cứ yêu cầu thực tiễn, có tham khảo mô hình của một số nước. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đề nghị làm rõ hơn thẩm quyền của Tòa án Quân sự, trong đó có việc giải quyết các vụ án hành chính và thi hành án.

Về việc chuẩn bị thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và Viện Kiểm sát nhân dân khu vực, các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng, việc tổ chức thực hiện thành mô hình tòa án và viện kiểm sát khu vực là đúng đắn, hướng đến việc xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, từng bước hiện đại, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân… theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá, các đề án nhìn chung được chuẩn bị một cách cơ bản, phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp, đáp ứng được các yêu cầu đề ra, trong đó có yêu cầu thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế.

Đề cập tới các vấn đề cụ thể, đối với Đề án tổ chức lại hệ thống cơ quan điều tra, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, cơ bản Đề án đã đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu và phương hướng, nhiệm vụ của cải cách tư pháp nêu trong Kết luận 79-KL/TW, Nghị quyết 49-NQ/TW và các văn kiện của Đảng. Tuy nhiên cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa lại một số nội dung về mục tiêu, quan điểm và nhiệm vụ đề án như ý kiến tham gia của các thành viên và Thường trực Ban Chỉ đạo.

Về phương án tổ chức lại cơ quan điều tra, Chủ tịch nước khẳng định, từ nay đến năm 2015 cơ bản giữ nguyên như quy định của pháp luật hiện hành nhưng cần kiện toàn một bước. Bên cạnh đó, trong giai đoạn này phải chuẩn bị các điều kiện cụ thể về cơ cấu lại tổ chức, khắc phục tình trạng thiếu điều tra viên và đảm bảo các điều kiện vật chất cho cơ quan điều tra của từng ngành, từng cấp.

Liên quan đến các đề án về đổi mới tổ chức, hoạt động các cơ quan tư pháp trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Trương tấn Sang cơ bản tán thành các nội dung về thu gọn đầu mối, giảm bớt số lượng các cơ quan và biên chế của các cơ quan tư pháp như đề xuất của Quân uỷ Trung ương.

Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, việc đề nghị mở rộng thẩm quyền xét xử của Toà án Quân sự đối với án hành chính trong quân đội cần cân nhắc kỹ; phải làm rõ yêu cầu thực tiễn, số lượng vụ việc, đối tượng, loại quyết định hành chính trong quân đội bị khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án quân sự.

Liên quan đến công tác chuẩn bị thành lập Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện Kiểm sát nhân dân khu vực, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh yêu cầu Ban cán sự đảng Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần tiếp tục trao đổi với các Tỉnh uỷ, Thành uỷ để tháo gỡ vướng mắc, thống nhất phương án thành lập các cơ quan này nhằm đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp.

Ngoài ra, Chủ tịch nước lưu ý Ban cán sự đảng Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần đẩy nhanh tiến độ công tác xây dựng các đề án chi tiết có liên quan phục vụ cho việc triển khai thực hiện thành lập Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện Kiểm sát nhân dân khu vực đã được xác định trong chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương năm 2012 để Ban Chỉ đạo cho ý kiến, làm cơ sở báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. 

Nguồn www.chinhphu.vn