Mối liên quan giữa hệ miễn dịch và chức năng của não là điều chưa giải thích được thế nhưng rõ ràng âm nhạc được dùng trong bệnh viện để giảm sự lo lắng sau khi bị nhồi máu cơ tim, giảm đau, giảm nôn mửa trong quá trình ghép tuỷ sống. Có những dẫn chứng cho thấy âm nhạc thông qua hệ thần kinh phó giao cảm (parasympathetic nervous system) điều chỉnh được một số chức năng của cơ thể như quá trình tiêu hoá chẳng hạn.
Âm nhạc không chỉ có lợi cho sức khỏe mà còn ngăn sự đào thải trong các phẫu thuật cấy ghép các bộ phận bên ngoài vào cơ thể.
Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã nghiên cứu ảnh hưởng của âm nhạc đến khả năng sống sót của chuột khi ghép tim cho chúng. Họ nhận thấy âm nhạc cổ điển và nhạc kịch đều kéo dài được sự sống của con vật sau khi giải phẫu, song loại âm nhạc đơn điệu hoặc nhạc “thời đại” không có khả năng này.
Nhóm nghiên cứu do TS Masanori Niimi đứng đầu đã nhấn mạnh đến tác dụng bảo vệ của âm nhạc đối với tủy.
Các bác sĩ Uchiyama và Jin lại thông báo "Những con chuột chịu tác động của nhạc kịch đã giảm được nồng độ interleukin-2 (IL-2) và interferon gamma (IFN-γ). Đồng thời chúng tăng được nồng độ chất chống viêm nhiễm IL-4 và IL-10. Những con chuột này đã tăng số lượng các tế bào CD4+CD25+ điều hoà đáp ứng miễn dịch ngoại vi”.
Rõ ràng, tuy chưa giải thích được cơ chế nhưng âm nhạc thực sự có ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Các nghiên cứu đang hướng vào việc lựa chọn xem những tác giả cổ điển nào nào phát huy được hiệu quả của việc giảm sự đào thải của các cơ quan “lạ” cấy ghép vào cơ thể.
Nguồn VietNamNet