Thống kê của WHO cho thấy trong 5 năm tới, lần đầu tiên trên thế giới số người trên 65 tuổi sẽ nhiều hơn số trẻ em dưới 5 tuổi. Tới năm 2050, thế giới sẽ có 2 tỷ người trên 60 tuổi và 80% số người cao tuổi sẽ sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Ảnh minh họa
Tổng giám đốc WHO, bà Margaret Chan, cho biết: “Những người sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình hiện đang phải đối mặt với nguy cơ tử vong và tàn phế do các bệnh không truyền nhiễm cao gấp 4 lần so với những người ở các nước có thu nhập cao”.
WHO nhấn mạnh sự cần thiết đối với các nước để tiến hành các bước phòng ngừa các bệnh không truyền nhiễm như bệnh tim, đột quỵ, ung thư, tiểu đường và bệnh phổi mạn tính. Những bệnh này chính là các thử thách cho người cao tuổi và đảm bảo rằng có đủ các hệ thống và dịch vụ cung cấp chăm sóc và điều trị khi cần.
Nhiều dịch vụ phải đạt hiệu quả về chi phí. Ví dụ, tăng huyết áp, vốn là một yếu tố nguy cơ gây bệnh tim và đột quỵ, có thể được điều trị hiệu quả với chi phí thấp. Hiện chưa đầy 15% số người già ở các nước có thu nhật thấp và trung bình đang được điều trị tăng huyết áp.
WHO vạch ra 4 hành động thiết yếu mà các chính phủ và xã hội có thể thực hiện để tăng cường sức khỏe và lão hóa khỏe mạnh, bao gồm tăng cường sức khỏe và thực hiện các hành vi lành mạnh ở mọi lứa tuổi để phòng ngừa hoặc trì hoãn tiến triến các bệnh mãn tính, giảm thiểu hậu quả của bệnh mạn tính thông qua phát hiện sớm và chăm sóc chất lượng; tạo môi trường thể chất và xã hội để tăng cường sức khỏe và thúc đẩy sự tham gia của những người lớn tuổi; làm mới quan điểm về lão hóa - Thay đổi quan điểm xã hội trong đó người già được tôn trọng và sống có ích.
Từ năm 1948, WHO đã chọn ngày 7-4 hàng năm là Ngày Sức khỏe thế giới. Chủ đề của ngày sức khỏe thế giới năm nay là “Tuổi già năng động: Sống khỏe để tăng tuổi thọ”.
Nguồn www.chinhphu.vn