Để góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi này, tăng hiệu quả kinh tế cho nhân dân địa phương, tháng 10-2011, Sở Khoa học – Công nghệ đã triển khai dự án “Nuôi heo địa phương tại thôn Tà Dương” với tổng kinh phí gần 77 triệu đồng, trong đó hơn 80% là từ nguồn vốn Sự nghiệp khoa học của tỉnh, phần còn lại là vốn đối ứng của nhân dân. Giống heo được chọn nuôi là giống địa phương: lông đen, đầu nhỏ, chân ngắn, bụng xệ, thịt thơm ngon. 4 hộ tham gia dự án này không chỉ được cấp giống (5 con/hộ) mà còn được hỗ trợ kỹ thuật, vật tư chăn nuôi.
Bà con thôn Tà Dương (xã Phước Thái, huyện Ninh Phước) thay đổi tập quán nuôi heo thả rông.
Với 20 heo con được thả nuôi ban đầu, đến nay tỷ lệ sống đạt 95%. Bác sĩ thú y Ngụy Công Khánh, Trạm phó Trạm Khuyến nông khuyến ngư huyện Ninh Phước, chủ nhiệm dự án cho biết, ngày trước, bà con nuôi thả, tỷ lệ sống chỉ đạt từ 40 – 60%. Hiện nay, heo các hộ nuôi theo dự án đang phát triển tốt, tăng trọng đều. Dù chỉ mới hơn 5 tháng, nhiều con đã đạt trên 30kg, so với cách nuôi cũ là 20 – 25kg khi trưởng thành.
Đưa chúng tôi tham quan các chuồng trại trong dự án này, anh Gia Kia Mạnh – Trưởng thôn Tà Dương khoe: “Thấy heo nuôi không bị bệnh, lớn đều, nhiều bà con ở đây đến hỏi thăm.” Chị Hu Me Thị Châu, người nuôi “mát tay” nhất dự án chia sẻ: “Nhà mình nuôi heo từ thời ông bà, nhưng chỉ thả rông thôi, giờ mới có chuồng”. Vừa trộn cám vào thức ăn cho heo, chị cười tủm tỉm: “Nuôi heo trong chuồng khó hơn nuôi thả. Mỗi ngày phải cho nó ăn 4 lần, đúng như cán bộ thú y dặn, nên mình tranh thủ trước lúc đi rẫy cho ăn, đi rẫy về lại cho ăn tiếp, ngày nào cũng phải tắm cho nó sạch sẽ nữa. Nó lớn đều, ai cũng khen, mình vui cái bụng.”
Chị Gia Kia Thị Vân, một trong 4 hộ tham gia dự án tâm sự: “Ngày trước mình nuôi nhưng không cho nó ăn, không có chuồng cho nó ở, cũng không có tiêm thuốc gì hết, nên nuôi con nào chết con đó. Giờ có cán bộ thú y hướng dẫn, tiêm thuốc, cả 5 con đều sống, lớn mập, nhà mình mừng lắm.”
Bác sĩ thú y Ngụy Công Khánh cho biết thêm, thành công bước đầu của dự án có thể thay đổi nhận thức của bà con Raglai nơi đây trong việc chăn nuôi heo. Chúng tôi luôn theo sát, hướng dẫn bà con áp dụng khoa học, kỹ thuật vào toàn bộ quy trình chăm sóc heo nuôi. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ tổng kết dự án vào tháng 4 tới và tiếp tục nhân rộng mô hình này trên địa bàn.
Việc thay đổi tập quán nuôi heo thả rông không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống cho bà con thôn Tà Dương, góp phần bảo vệ môi trường thôn xóm, mà còn có ý nghĩa thiết thực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại xã Phước Thái – một trong những xã điểm thực hiện chương trình này.
Bảo Bình