Thuận Nam: Khó khăn trong công tác phổ cập giáo dục mầm non

(NTO) Là một huyện vừa mới chia tách nên công tác giáo dục và đào tạo của Thuận Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác phổ cập giáo dục mầm non ( PCGDMN).

Toàn huyện có 7 trường mẫu giáo, 43 lớp với 1.253 trẻ theo học. Trong năm học 2010-2011, toàn huyện đã huy động trẻ 5 tuổi ra lớp được 919 cháu, đạt 75,5%; riêng năm nay huy động được 943 trẻ, tăng 12,2% so với năm học trước.

 
Đội ngũ giáo viên Trường Mẫu giáo Phước Minh thi đua dạy tốt. Ảnh: Sơn Ngọc

Từ khi thực hiện Đề án PCGDMN, huyện đã đầu tư mua sắm thiết bị nghe nhìn cho các trường mẫu giáo gồm 7 ti-vi, 7 đầu máy, 7 đàn organ, nhưng so với nhu cầu vẫn còn thiếu. Đội ngũ giáo viên hiện có 48 người, trong đó đạt chuẩn 41,7%, trên chuẩn 56,3%. Hầu hết cơ sở vật chất ở các trường đều thiếu thốn so với yêu cầu của chương trình GDMN mới hiện nay. Số phòng học kiên cố của các cơ sở mầm non đạt tỉ lệ thấp, thiếu các phòng chức năng, chưa đáp ứng với yêu cầu chuyên môn; đồ dùng, đồ chơi phục vụ dạy và học chủ yếu do giáo viên tự làm, nên hiệu quả sử dụng chưa cao. Việc trang bị, mua sắm thiết bị dạy học nhờ các trường chủ động vận động, lấy nguồn từ công tác xã hội hóa nên cũng hạn chế.

Theo chị Phan Thị Thu, Chuyên viên phụ trách GDNN, phòng GD&ĐT huyện, thì công tác PCGDMN đạt tỉ lệ còn thấp. Hiện tại, huyện chỉ có 3/7 trường có đủ lớp cho trẻ học 2 buổi/ngày, trong đó có 2 trường tổ chức cho trẻ ăn bán trú. Khó khăn nhất trong việc PCGDMN ở huyện là đang thiếu phòng học, phải mượn nhà cộng đồng thôn để làm phòng học tạm bợ, không đủ không gian cho trẻ vui chơi”.

Chị Vũ Thị Duyên, Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Quán Thẻ (xã Phước Minh) cho biết: “So với các trường khác trong huyện, thì trường Mẫu giáo Quán Thẻ được đầu tư về cơ sở tốt hơn. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Nhờ thực hiện công tác xã hội hóa, đồng thời một bộ phận người dân trong vùng nhận thức được việc học tập của con em mình nên đã tạo điều kiện cho trẻ đến trường. Hiện tại trường đã tổ chức cho trẻ ăn tại trường, chỉ với mức bình quân 7 ngàn đồng/ ngày.”

Một trong những mục tiêu của Đề án PCGDMN cho trẻ là giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng bằng cách tổ chức học bán trú. Thế nhưng với điều kiện như hiện nay, việc học 2 buổi/ngày đã khó, việc tổ chức cho trẻ ăn trưa tại trường còn khó hơn. Do việc tổ chức bán trú còn hạn chế nên tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng vẫn còn cao như thể nhẹ cân là 1,9%, thể thấp còi 11%.

Cũng theo chị Phan Thị Thu, để công tác PCGDMN ở huyện được nâng cao, trong thời gian tới, huyện sẽ tăng số trường tổ chức cho trẻ ăn trưa, đầu tư mua sắm cơ sở vật chất; đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan” đến các bậc phụ huynh với nhiều hình thức: bằng tranh ảnh, trên loa đài, trao đổi trực tiếp. Hơn hết, để thu hút trẻ đến trường, đòi hỏi cần phải xây dựng một môi trường sư phạm đảm bảo có đủ đồ dùng học tập, vui chơi, nâng cao chất lượng dạy và học.