Lo tuyển sinh khó, trường tư giảm học phí
Thông tin từ cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ 2012 cho thấy, 3 trường ĐH không tăng học phí trong 3 năm liền (năm 2010, 2011 và 2012), gồm: ĐH Chu Văn An (Hưng Yên), ĐH Công nghệ Vạn Xuân, ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam). Mức học phí các trường ấn định từ 4 đến hơn 6 triệu đồng/năm.
Cá biệt, Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị (Hà Nội) giảm học phí trong 3 năm liền lần lượt từ 1,1 triệu đồng/tháng (2010) xuống 850.000 đồng/tháng (2011) và 800.000 đồng/tháng (khối ngành Kinh tế - Quản trị) và 600.000 đồng/tháng (khối ngành Khoa học) trong năm học 2012-2013. Theo lý giải của trường là để thu hút sinh viên và nhà đầu tư, nhà trường chấp nhận lỗ trong những năm đầu để xây dựng thương hiệu.
Minh họa: A.Dũng
Việc không tăng hoặc giảm học phí chỉ là cá biệt ở một số trường ngoài công lập. Còn hầu hết các trường ngoài công lập ở cả miền Bắc-Trung-Nam đều tăng nhẹ học phí trong năm học mới. Lý do mà các trường nêu là phải đầu tư thêm vào cơ sở vật chất, tăng lương cho giáo viên. Đây cũng là điều dễ hiểu trong bối cảnh giá cả vẫn tăng cao như hiện nay, vì không chỉ khối các trường tư, bao lâu nay, khối các trường công cũng đã kêu ca đòi tăng học phí.
Với các trường tư, khi mà nguồn thu chủ yếu dựa vào học phí thì việc phát sinh các nguồn chi cũng đồng nghĩa với việc phải tăng học phí. Cực chẳng đã họ mới phải duy trì mức học phí cũ, chấp nhận lỗ để thu hút thí sinh.
Nên định hướng các trường tư phi lợi nhuận
Cho đến nay, khái niệm lợi nhuận hay phi lợi nhuận vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều. Không ít người kiên quyết không thể thương mại hóa giáo dục; cũng có nhiều ý kiến cho rằng đầu tư thì không thể không có lợi nhuận. Dự thảo Luật Giáo dục đại học (GDĐH) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp cuối năm nay, hiện đã cơ bản hoàn thiện về vấn đề xã hội hóa GDĐH, trong đó có vấn đề lợi nhuận, không lợi nhuận của trường tư.
Quan điểm chung của dự luật này là khuyến khích, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho GDĐH nhưng vẫn bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư theo hướng: cơ sở GDĐH tư thục và cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận nếu các cổ đông hoặc thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hàng năm bằng lãi suất ngân hàng.
Hầu hết các ý kiến đồng tình với việc làm rõ vấn đề lợi nhuận và phi lợi nhuận đối với trường ĐH ngoài công lập. GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng hoàn toàn ủng hộ việc phân biệt rõ ràng nhưng nên định hướng các trường tư phi lợi nhuận, vì lĩnh vực giáo dục thiên về phúc lợi cộng đồng.
Với trường tư có lợi nhuận, GS Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Thăng Long (Hà Nội) cho rằng nếu với mấy điều kiện mà Bộ GD-ĐT đưa ra đối với các trường ĐH (tiêu chí số sinh viên/giáo viên, diện tích sàn), thì khó lòng có trường tư thục nào dám chia lợi nhuận. Nghĩa là nếu Nhà nước chỉ cần điều tiết bằng những quyết định thì hoàn toàn có thể loại đi trường tư chia lợi nhuận.
“Nhưng giả sử vẫn còn tiền để chia sau khi đã đáp ứng đủ các yêu cầu của bộ đưa ra thì người nhận cổ tức phải chịu thuế và số tiền còn lại của trường sau khi chi cũng phải chịu thuế”, GS Hoàng Xuân Sính chia sẻ quan điểm về trường ĐH tư có lợi nhuận.
Còn với trường tư phi lợi nhuận, GS Sính có quan điểm: Đã là trường tư phi lợi nhuận thì không nên đề cập chuyện chia lãi và tất nhiên trường sẽ không phải đóng thuế, như vậy HĐQT sẽ toàn tâm toàn ý để phát triển trường. Các nhà đầu tư cũng sẽ không bị thiệt nếu trường tạo ra được các dịch vụ khoa học từ kết quả nghiên cứu và nhà đầu tư có thể đầu tư vào đó để sinh lời.
Nghiên cứu kỹ để đảm bảo tính khả thi
Trong khi đó, TS Đặng Văn Định, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Chu Văn An cho rằng, việc quy định mức lợi nhuận cho người góp vốn vào trường tư bằng lãi suất ngân hàng là cách làm có thể chấp nhận được, vì vừa thu hút được nhà đầu tư, vừa hạn chế được nhà đầu tư sa đà vào lợi nhuận. Ông cũng cho rằng, không thể đồng nhất hóa trường ĐH với công ty cổ phần, vì một bên là sự nghiệp đào tạo nhân lực, còn một bên là lợi nhuận tối đa.
Thực tế, theo TS Nguyễn Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính, nước ta chưa có những quy định pháp luật quy định tiêu chí để xác định cơ sở hoạt động theo cơ chế không vì lợi nhuận. Do vậy, việc quy định trường phi lợi nhuận trong đó các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức bằng lãi suất ngân hàng vẫn phải nghiên cứu kỹ để bảo đảm tính khả thi. Về nguyên tắc, để khuyến khích nhà đầu tư thì hoạt động đầu tư phải có hiệu quả, có lời lãi, ít nhất là bảo toàn được vốn đầu tư, lợi nhuận phải được phân phối theo vốn góp và công sức của các thành viên góp vốn.
Như vậy, câu chuyện phi lợi nhuận và lợi nhuận trong trường ĐH tư đã khá rõ ràng. Luật Giáo dục đại học cũng sắp ra đời. Vấn đề còn lại chỉ là việc vận dụng cơ chế, chính sách để phát triển các trường tư đúng hướng. Điều đáng nói là chất lượng đào tạo của trường ngoài công lập chưa cao (năm 2011 một số địa phương, một số ngành nói không với sinh viên tốt nghiệp trường ngoài công lập).
Trong bối cảnh đó, nếu các nhà đầu tư giáo dục không toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp đào tạo nhân lực thì cũng rất khó để tạo bước đột phá về chất lượng đào tạo, từ đó tạo niềm tin đối với xã hội về ĐH ngoài công lập.
Nguồn Báo SGGP Online