Vì mục tiêu nâng cao chất lượng dân số vùng biển

(NTO) Đề án Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển (Đề án 52) sau gần 3 năm triển khai đã góp phần ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số vùng biển, ven biển, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân số và chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh ta.

Tỉnh ta có 5/7 huyện, thành phố thuộc vùng ven biển với số dân khoảng 470 nghìn người, chiếm hơn 83% dân số toàn tỉnh. Ở các địa phương này, đời sống kinh tế dân cư còn nhiều khó khăn, chủ yếu hoạt động trên lĩnh vực kinh tế biển.

Phụ nữ xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải) được tiếp cận các dịch vụ CSSKSS từ Đề án 52

Chính đặc thù đó đã làm cho phần đông người dân nơi đây ít có điều kiện tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản (SKSS) và kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ). Nhận thức của người dân về chính sách dân số chưa sâu, kiến thức về mang thai, sinh sản và phòng ngừa các yếu tố có nguy cơ cao ảnh hưởng đến SKSS còn nhiều hạn chế.

Năm 2009, Đề án 52 (giai đoạn 2010-2020) được triển khai trên địa bàn tỉnh ta đã tạo điều kiện cho người dân ở 19 xã, phường vùng biển, ven biển được quán triệt các văn bản của Đảng và Nhà nước về công tác Dân số-KHHGĐ và chăm sóc SKSS.

Khi triển khai đề án, người dân được tư vấn về giới và giới tính, được cung cấp các loại dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, KHHGĐ thường xuyên hơn. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và vị thành niên, thanh niên (VTN-TN) được quan tâm chu đáo trong việc tư vấn đồng đẳng giới về tình bạn, tình yêu, hôn nhân và gia đình; được tuyên truyền về tác hại của việc nạo phá thai. Công tác chăm sóc SKSS càng thể hiện sự quan tâm hơn khi phụ nữ 15 - 24 tuổi chưa lập gia đình được tổ chức xét nghiệm vi-rút viêm gan B miễn phí.

Qua gần 3 năm triển khai, Đề án 52 đã góp phần từng bước nâng cao chất lượng dân số vùng biển của tỉnh. Trung tâm Dân số-KHHGĐ ở 5 huyện, thành phố đã phối hợp với Trung tâm Y tế thành lập 5 đội lưu động cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, đã thực hiện trên 70 lượt cung cấp dịch vụ tại 19 xã; trên 12.000 lượt đối tượng được tiếp cận truyền thông, tư vấn về các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ; 12.712 lượt người khám phụ khoa; 5.397 bà mẹ mang thai được thăm khám thai, siêu âm chẩn đoán sức khỏe bào thai và được cấp viên Sắt.

Các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như các hoạt động truyền thông trực tiếp dưới nhiều hình thức được triển khai thường xuyên. Nhiều ấn phẩm truyền thông về chăm sóc SKSS/KHHGĐ được cung cấp tới tận người dân. Chi cục Dân số-KHHGĐ đã phối hợp với Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức cuộc thi tìm hiểu về kiến thức chăm sóc sức khỏe VTN-TN trong các trường THPT của các huyện, thành phố ven biển. Thông qua hoạt động này, học sinh trong độ tuổi VTN-TN có điều kiện tìm hiểu sâu các kiến thức cơ bản về SKSS, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có cả HIV/AIDS.

Tuy đã có nhiều kết quả, nhưng đến thời điểm này, Đề án 52 (giai đoạn 2010-2020) vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS còn hạn chế, nhận thức của người dân vùng biển có chuyển biến nhưng chưa thực sự rõ nét. Ông Nguyễn Văn Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ cho rằng: “Đề án 52 chính là bước khởi động cho chiến lược nâng cao chất lượng dân số vùng biển, đảo và ven biển. Vì vậy, những khó khăn, hạn chế mà công tác Dân số-KHHGĐ vùng biển đang đối mặt là những thách thức cần phải được Ban chỉ đạo đề án các cấp và các địa phương ven biển quan tâm. Trước mắt, cần có sự quan tâm chỉ đạo, điều hành của cả hệ thống chính trị; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, không ngừng nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân vùng biển về lĩnh vực Dân số-KHHGĐ và chăm sóc SKSS. Đồng thời nhanh chóng đầu tư khắc phục những khó khăn, hạn chế về cơ sở và nguồn lực y tế. Về lâu dài, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa y tế, giáo dục và chính sách nghề nghiệp cho lao động vùng biển, nhất là phụ nữ nhằm tạo nền tảng cơ bản vững chắc để thực hiện thành công mục tiêu Đề án đặt ra”.