(NTO) Từ trước đến nay do tập tục và thói quen sinh hoạt “tự cấp, tự túc”, không thường mua bán tại chợ mà chỉ qua trao đổi hàng hóa tại các hàng quán và giữa các hộ dân với nhau, do đó giá trị hàng hóa của các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Bác Ái thường không cao. Chưa kể nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị nhưng khi bán ra bị tư thương ép giá.
Phiên chợ tổ chức tại xã Phước Tân (Bác Ái).
Anh Pi-năng Giếng, thôn Ma Ty, xã Phước Tân cho biết: “Trước đây mình muốn mua cái gì thì cũng chỉ biết mang bắp, mang gà ra đổi tại các quán trong làng. Không biết giá bao nhiêu, mắc hay rẻ. Bò, heo nuôi lớn khi cần thì đổi xe máy, đổi gạo, mắm chứ không bán lấy tiền mặt. Khi có việc cần phải đi chợ thì rất xa nên bất tiện lắm. Nay địa phương mở chợ phiên mình rất vui, có điều kiện mang con gà, gùi bắp ra bán lấy tiền, muốn mua gì cũng được”.
Cũng như anh Giếng, chị Pi-năng Thị Linh ở thôn Trà Co, xã Phước Tiến là một trong những người “ tích cực” tham gia các phiên chợ tại xã Phước Tiến. Qua ba phiên chợ, chị đều chuẩn bị hàng hóa rất chu đáo. Hầu hết là những sản phẩm nông nghiệp do gia đình làm ra, nhưng nhu cầu sử dụng không hết mang bán để kiếm thêm tiền trang trải các sinh hoạt trong gia đình. Chị cho biết: “Lúc đầu mình cũng sợ ra đây bán không có ai mua, giá cả bao nhiêu là vừa. Tuy nhiên, sau khi được tập huấn về kỹ năng bán hàng, định giá sản phẩm, bày biện hàng hóa... mình đã biết cách làm và tự tin hơn. Mỗi phiên chợ mình cũng bán được 4-5 quầy chuối, vài con gà, ký đậu, chứ nhà mình làm ra nhiều mà để ở nhà ăn đâu có hết”.
Ông Hoàng Văn Đặng, Chủ tịch UBND xã Phước Tiến cho biết: “Bước đầu họp chợ định kỳ mỗi tháng 1 đến 2 lần, qua các phiên chợ, các hộ đồng bào tại địa phương dần biết cách tham gia thị trường, biết làm các bảng giới thiệu sản phẩm, định giá, mặc cả và niêm yết giá phù hợp. Từ chỗ chưa biết tính toán lỗ lãi thông qua việc bán hàng, qua tham gia các phiên chợ, người dân đã thấy được lợi ích của việc giao thương, giá trị sản phẩm được nâng lên. Các phiên chợ này đã tạo nên một môi trường sinh hoạt vui vẻ, gần gũi và thiết thực”.
Từ nhu cầu thực tế và hiệu quả bước đầu, đến nay các địa phương trên địa bàn huyện Bác Ái đã tổ chức được 6 phiên chợ tại các xã Phước Đại, Phước Tiến và Phước Tân, người dân địa phương bán các sản phẩm nông nghiệp và các đồ dùng sinh hoạt như dao, cuốc, gùi, nỏ, đàn cha-phi, các mặt hàng ăn, uống chế biến sẵn... Mỗi phiên chợ thu hút hàng trăm người dân tham gia mua sắm và bước đầu hình thành thói quen đi chợ. Ngoài ra, tại một số phiên chợ có sự tham gia của các gian hàng với các sản phẩm được mang từ dưới xuôi lên, tạo sự trao đổi, giao thương nhộn nhịp…
Ông Nguyễn Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, Trưởng Ban điều hành dự án Oxfam huyện cho biết: “Việc duy trì các chợ phiên đã phục vụ nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân, là cơ hội để giới thiệu các sản phẩm hàng hóa mà địa phương có thế mạnh ra thị trường; tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của người dân. Đây là một trong những hiệu quả mang lại từ dự án “Tăng cường tiếp cận thị trường và khuyến khích phụ nữ Raglai làm chủ kinh tế”. Tổng kinh phí hỗ trợ cho năm tài chính 2010-2011 khoảng 720 triệu đồng, bao gồm nhiều hoạt động như: tập huấn nâng cao kỹ năng bán hàng, xây dựng lên kế hoạch tổ nhóm, nâng cao năng lực chăm sóc cây trồng, vật nuôi, tham quan học tập kinh nghiệm… Phát huy hiệu quả của chương trình này, thời gian tới chúng tôi sẽ mở rộng quy mô sang các xã còn lại; có hướng hỗ trợ các xã về điều kiện cơ sở hạ tầng; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, nhà phân phối cùng tham gia thị trường để phát triển hơn nữa hoạt động thương mại tại địa phương”.
Với hiệu quả bước đầu, cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, những phiên chợ vùng cao Bác Ái sẽ được duy trì và mở rộng quy mô hoạt động, tạo động lực để phát triển kinh tế theo hướng nâng cao giá trị hàng hóa các sản phẩm nông nghiệp, từ đó góp phần đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng cao.
Ngũ Anh Tuấn