Còn hơn 800 tàu thuyền trong vùng nguy hiểm

Ngày 30-3, vẫn còn hơn 800 tàu thuyền của các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận hoạt động trong vùng biển chịu ảnh hưởng của cơn bão số 1

Đến 17 giờ ngày 30-3, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên cho biết vẫn còn 220 tàu đánh bắt cá ngừ đại dương với hơn 2.000 ngư dân hoạt động trong vùng biển nguy hiểm. Bộ đội Biên phòng tỉnh này đã liên tục thông tin hướng di chuyển của bão, đồng thời yêu cầu các phương tiện tìm nơi tránh trú. Riêng tàu cá PY-90945-TS với 9 ngư dân bị mắc cạn ở khu vực gần đảo Đá Lớn (huyện đảo Trường Sa - Khánh Hòa) vào ngày 28-3 đã được tàu Hải quân Việt Nam cứu hộ, đưa về neo đậu tại đảo Đá Lớn.

 
Một số tàu cá đã kịp vào bờ tránh trú bão số 1 tại TP Tuy Hòa - Phú Yên. Ảnh: Hồng Ánh

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, sáng cùng ngày, một tàu cá Quảng Ngãi đã cứu được 14 ngư dân ở Khánh Hòa bị trôi dạt trên biển do chìm tàu. Trước đó, rạng sáng 28-3, tàu cá KH-95977-TS do ông Huỳnh Công Chánh (SN 1969, ngụ TP Nha Trang - Khánh Hòa) làm thuyền trưởng cùng 13 ngư dân hành nghề lặn trên vùng biển Trường Sa thì bị phá nước và chìm. Các ngư dân lập tức xuống 2 xuồng lặn và phát tín hiệu cấp cứu. Sau 2 ngày đêm lênh đênh trên biển, các ngư dân đã được tàu cá Quảng Ngãi QNg-96527-TS do ông Dương Văn Thọ (SN 1969, ngụ huyện Lý Sơn - Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng phát hiện và đưa vào đảo Song Tử Tây.

Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết hiện còn 130 tàu thuyền của tỉnh này đang đánh bắt trên vùng biển đảo Phú Quý (Bình Thuận). Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Ninh Thuận đã liên lạc được với số tàu trên và yêu cầu vào nơi trú ẩn an toàn. Riêng tàu của ông Lê Chiêm (ngụ Tp. Phan Rang – Tháp Chàm) với hơn 10 ngư dân đang đánh bắt trên vùng biển Trường Sa, đã phải cập bến nhà giàn DK1 để tránh bão.

Tại tỉnh Bình Thuận, có 30 tàu công suất lớn với hơn 400 ngư dân của huyện đảo Phú Quý và TP Phan Thiết đang đánh bắt trên vùng biển Trường Sa và 443 thuyền nghề (hơn 3.693 ngư dân) ở khu vực Côn Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã tìm nơi trú ẩn an toàn. UBND huyện Phú Quý đã huy động xe cẩu kéo gần 200 tàu công suất nhỏ lên bờ để neo đậu, đề phòng va đập nếu bão đổ bộ.

Ngày 1-4, bão số 1 đổ bộ vào đất liền

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, đến tối 30-3, vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 9,9 độ vĩ Bắc - 110,8 độ kinh Đông; cách đảo Phú Quý (Bình Thuận) khoảng 190 km về phía Đông - Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 9, 10; giật cấp 11, 12.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 1 di chuyển chậm theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5-10 km và còn có khả năng mạnh thêm. Sau đó, bão hướng vào đất liền các tỉnh cực Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ. Ngày 1-4, bão sẽ đổ bộ vào địa phận từ Bình Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển ngoài khơi từ Phú Yên đến Bà Rịa - Vũng Tàu có gió mạnh cấp 6, 7; vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, 10; giật cấp 11, 12 và biển động mạnh.

Ngày 30-3, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã có công điện gửi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên - Huế và các bộ, ngành liên quan về việc đối phó với đợt không khí lạnh đang tràn xuống phía Bắc.

Theo đó, các ngành, địa phương thông báo cho các chủ phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển phòng tránh; theo dõi chặt diễn biến thời tiết, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với tàu thuyền; sẵn sàng lực lượng và phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

UBND TPHCM đã yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương trực thuộc triển khai ngay các phương án phòng chống cơn bão số 1 nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra.

Nguồn www.nld.com.vn