(NTO) Theo công điện khẩn của BCHPCLB tỉnh, hồi 7 giờ sáng ngày 30-3, vị trí tâm bão còn cách bờ biển Ninh Thuận- Bình Thuận khoảng 330 km về phía Đông Nam, có khả năng đổ bộ vào tỉnh ta chiều ngày 31-3, sớm hơn so với dự báo trước đó bão đổ bộ ngày 1-4 .
Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh triển khai khẩn cấp kế hoạch phòng chống cơn bão số 1
Trước sự di chuyển quá nhanh của cơn bão, BCHPCLB tỉnh đã triển khai kế hoạch phòng chống, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền; có phương án sơ tán dân và chằng chống nhà cửa, kho tàng; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẳn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Đến trưa nay (30-3), trong tổng số 2.585 tàu thuyền toàn tỉnh đã có 2.430 chiếc neo đậu tại các các bến, cảng cá trong tỉnh và Bình Thuận, trong đó có 1.377 chiếc neo đậu tránh bão tại các bến, cảng cá trên địa bàn tỉnh ta cùng với 230 tàu thuyền các tỉnh bạn. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết đã liên lạc được với 12 tàu cá của tỉnh ta đang hoạt động trên vùng biển Kiên Giang và 143 tàu cá hoạt động ven bờ Ninh Thuận-Bình Thuận và đã kêu gọi vào bờ tìm nơi trú ẩn.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND và BCHPCLB các huyện, thành phố khẩn trương thực hiện phương án di dời dân ở những vùng ven sông, suối, vùng trũng thấp và những chỗ xung yếu đến nơi an toàn khi có bão tố, nước dâng, sóng thần. Vận động nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men, dầu hỏa, đèn cầy và các nhu yếu phẩm khác để đối phó với nguy cơ bão lũ kéo dài. Lực lượng vũ trang, công an và các đội xung kích của địa phương chuẩn bị huy động lực lượng tham gia cứu hộ và sơ tán dân ở các vùng xung yếu.
Bạch Thương