Tăng cường vai trò giám sát của MTTQ các cấp

Ngày 29/3 tại Hà Nội, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 5 năm thực hiện Quy chế Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị - Ảnh Chinhphu.vn

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, lãnh đạo các bộ ngành và các tỉnh, thành trong cả nước.

Hội nghị tập trung đánh giá những kết quả đã đạt được, những hạn chế, tìm ra các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để khắc phục những hạn chế nhằm tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới đạt kết quả tốt hơn.

Theo đó, kết quả hội nghị là căn cứ để các cơ quan chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đồng thời, các nội dung nêu tại Hội nghị này sẽ góp phần vào việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch số 05 về Quy chế Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, đảng viên, công chức ở khu dân cư.

Theo Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm, từ thực tiễn sinh động qua 10 thực hiện Luật MTTQ và 5 năm thực hiện nghị quyết liên tịch đã góp phần tạo ra chuyển biến mới về nhận thức của nhân dân đối với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, vai trò của MTTQ trong thời kỳ mới.

Sau khi có Luật Mặt trận Tổ quốc, Đảng, Nhà nước tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, chính sách về công tác đại đoàn kết dân tộc, trong đó các nghị quyết về công tác dân tộc, tôn giáo, phụ nữ, công nhân, trí thức, người Việt Nam ở nước ngoài… Vì thế, đã tạo ra sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần vào thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới.

Theo Chủ tịch Huỳnh Đảm, chưa có lúc nào liên minh chính trị của Mặt trận Tổ quốc các cấp đã mở rộng, tăng cường từ Trung ương đến tận khu dân cư như từ khi có Luật Mặt trận Tổ quốc với tất cả các thành phần.

Do đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp thực sự là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, góp phần hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước và xây dựng Đảng, Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân.

Các đại biểu dự Hội nghị - Ảnh Chinhphu.vn

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, qua 10 năm thực hiện, Luật Mặt trận Tổ quốc đã thu được những kết quả tích cực. Vị trí và vai trò của Mặt trận ngày càng được phát huy, đi vào chiều sâu, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, góp phần tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch số 05 tại 5 tỉnh, thành thí điểm cho thấy, việc thí điểm đã thực hiện có hiệu quả. Nội dung Mặt trận Tổ quốc các cấp giám sát cán bộ, đảng viên ở khu dân cư đạt kết quả cụ thể, tiêu biểu như cán bộ, đảng viên ở khu dân cư đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc giám sát, kiến nghị với MTTQ xã, phường những thiếu sót, vi phạm của cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị, góp phần giảm tiêu cực, cửa quyền của cán bộ, đảng viên, công chức. Vì vậy, cần nhân rộng thực hiện ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị, MTTQ các cấp giám sát các vấn đề nóng bỏng diễn ra hàng ngày trong đời sống dân sinh như vệ sinh an toàn thực phẩm, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng Năm an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội.

Các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương và Mặt trận Tổ quốc các cấp cần nhận thức đầy đủ, coi việc nghiêm túc thực hiện Luật Mặt trận Tổ quốc là nhiệm vụ thường xuyên của mình, chủ động phối hợp với Mặt trận để xử lý các vấn đề, công việc tại địa phương.

Các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ Mặt trận đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần chủ động tham mưu, đề xuất với cấp uỷ để có sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc, thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Mặt trận, Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân… để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị việc sửa đổi, bổ sung Luật Mặt trận Tổ quốc cần được thể chế hoá chủ trương của Đảng về đại đoàn kết dân tộc, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc, mối quan hệ giữa Mặt trận với các cơ quan tổ chức trong hệ thống chính trị. Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Mặt trận Tổ quốc để đưa vào bổ sung để đưa một số nội dung về giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc với các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Đặc biệt, việc tổng kết trong thời điểm hiện nay có ý nghĩa lớn trong lúc toàn Đảng, toàn dân đang nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhằm khắc phục những hạn chế, tăng cường hơn nữa năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ nói chung và đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp nói riêng.

Mặt khác, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần khắc phục những hạn chế, bất cập của cán bộ và tiếp tục hoàn thiện Quy chế phản biện và trả lời kiến nghị của nhân dân.

Nguồn www.chinhphu.vn