(NTO) Dẫu phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, song công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) của tỉnh nhà đã đạt những kết quả đáng khích lệ. Một số sản phẩm chủ lực tiếp tục khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho hàng ngàn lao động tại địa phương.
Mặt hàng dệt thổ cẩm được nhiều du khách ưa chuộng.
Nhìn lại giai đoạn 1992-2012, CN-TTCN tỉnh nhà phải đối mặt với nhiều thách thức khi tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 1992 chỉ đạt trên dưới 145 tỷ đồng - một con số khiêm tốn so với những tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Bên cạnh việc không du nhập, phát triển được các ngành nghề mới thì một số ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và Chung Mỹ, gốm Bàu Trúc, dệt chiếu cói An Thạnh, nước mắm Cà Ná, đan võng Khánh Nhơn,… dần bị mai một bởi sự cạnh tranh của cơ chế thị trường.Quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ, nhất là hoạt động CN-TTCN chưa phát triển; máy móc thiết bị cũ kỹ, công nghệ lạc hậu; chất lượng và tính cạnh tranh sản phẩm thấp; công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư yếu, các dự án sản xuất công nghiệp chậm được triển khai;…
Để tạo điều kiện cho CN-TTCN phát triển, Sở Công Thương đã tham mưu cho tỉnh ban hành các nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch, đề án về phát triển CN-TTCN, làng nghề trên địa bàn; đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, phát triển các sản phẩm công nghiệp mới như nhân hạt điều, tinh bột mì, may công nghiệp, nước yến, thuốc lá, đá ốp lát granite,… du nhập thêm các ngành nghề mới như thêu ren, đan lát các sản phẩm từ mây tre-bẹ chuối, sản xuất tranh gỗ ghép, mộc mỹ nghệ,… Bên cạnh đó, tiến hành thực hiện công tác khôi phục và phát triển những làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và Chung Mỹ, gốm Bàu Trúc, dệt chiếu cói An Thạnh.
Làng nghề gốm Bàu Trúc thu hút đông đảo du khách tham quan và mua sản phẩm làm quà lưu niệm.
Ảnh: Phượng Vỹ
Phát huy vai trò là ngành kinh tế động lực trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH của tỉnh hiện nay, ngành CN-TTCN tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức cao và tương đối ổn định. Riêng trong năm 2011, giá trị sản xuất CN-TTCN toàn tỉnh đạt 1.705 tỷ đồng, tăng 17,5% so với năm 2010 và tăng 11,8 lần so với năm 1992. Sự phát triển toàn diện của ngành công nghiệp là nhân tố quan trọng góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, đồng thời giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động. Năm 2012, phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 2.150 tỷ đồng.
Các khu-cụm công nghiệp tiếp tục được quy hoạch mở rộng và đầu tư kết cấu hạ tầng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mặt bằng của các doanh nghiệp. Tính đến cuối năm 2011, theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, toàn tỉnh có 3 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 2.141 ha. Trong đó 3 KCN với diện tích khoảng 1.777 ha và 6 CCN với tổng diện tích 270 ha đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Cùng với chủ trương tập trung đầu tư nâng cấp về hạ tầng các khu-cụm công nghiệp, thời gian qua ngành Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, đồng thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, nhất là những ưu đãi về san lấp mặt bằng, đào tạo lao động, tiền thuê đất, chương trình khuyến công và xúc tiến thương mại,...Nhờ vậy số lượng các dự án đăng ký đầu tư vào tỉnh những năm qua tăng lên không ngừng. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút mới trên 215 dự án với tổng mức vốn đăng ký đạt trên 155 nghìn tỷ đồng, trong đó có 95 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp, với tổng vốn đầu tư trên 59 nghìn tỷ đồng. Một số dự án sản xuất công nghiệp có quy mô lớn đã hoàn thành đưa vào hoạt động như chế biến nhân hạt điều, sản xuất tinh bột mì, may công nghiệp, trạm nghiền xi măng Luks, chế biến các sản phẩm từ yến sào, chế biến muối tinh, chế biến tôm xuất khẩu, các dự án chế biến đá ốp lát granite,… các sản phẩm này đã đóng góp trên 55% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh và chiếm trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Một điều đáng mừng trong quá trình phát triển công nghiệp năng lượng của tỉnh trong thời gian qua là bên cạnh các dự án quy mô vừa và nhỏ, gần đây đã thu hút được một số dự án có quy mô khá lớn đã và đang tiến hành các bước chuẩn bị và đăng ký đầu tư gồm 17 dự án điện gió, tổng công suất khoảng 1.250 MW, dự kiến vốn đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Quốc hội đã có chủ trương lựa chọn Ninh Thuận đầu tư xây dựng 2 dự án Nhà máy điện hạt nhân: Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1, công suất 2.000 MW sẽ được xây dựng tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam; Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2, công suất 2.000 MW sẽ được xây dựng tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tổng vốn đầu tư 2 Nhà máy dự kiến khoảng 15 tỷ USD (tương đương khoảng 312 nghìn tỷ VN đồng).
Ông Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Xác định vai trò ngành công nghiệp trong phát triển kinh tế-xã hội, những năm qua tỉnh đã đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp thông qua các chính sách ưu đãi, chương trình xúc tiến đầu tư,… đồng thời việc đẩy mạnh xúc tiến đầu tư các dự án công nghiệp quy mô lớn, hoàn thành đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và thu hút các dự án đầu tư thứ cấp sẽ là tiền đề cơ bản để phát huy vai trò phát triển của ngành công nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra và Quyết định số 1222/QĐ-TTg ngày 22-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020”.
Với những kết quả đạt được trong 20 năm qua, cùng với hướng đi phù hợp, hiệu quả, CN-TTCN đang mở ra nhiều triển vọng lớn. Tin tưởng rằng, năm 2012 và những năm tiếp theo sẽ là thời kỳ phát triển lớn mạnh của ngành CN-TTCN tỉnh nhà, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.
Dạ Nguyệt