Bứt phá vươn lên của ngành Thủy sản

(NTO) Những ngày này, có dịp đi về các miền biển trong tỉnh, chúng tôi ghi nhận được không khí rộn ràng khí thế ra quân khai thác vụ cá Bấc của ngư dân. Từ các bến, cảng cá, dõi mắt nhìn theo những tàu, thuyền đang trực chỉ hướng khơi, có thể hình dung ra những mẻ lưới đầy ắp cá tôm đang chờ đón. Sau chặng đường 20 năm vượt khó vươn lên, ngành Thuỷ sản tỉnh ta đã có sự phát triển ngoạn mục cả về khai thác và nuôi trồng.

Nhiều người từng công tác trong ngành Thuỷ sản tỉnh đến giờ vẫn không quên thực trạng nghề cá ngày ấy. Vào năm 1992, năng lực sản xuất tỉnh ta còn rất thấp, cả tỉnh chỉ có 1.022 tàu cá với công suất 15.900 CV; 482 ha diện tích mặt nước thả nuôi tôm và vỏn vẹn có 14 trại sản xuất tôm giống.  

 
 Ngư dân xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, đầu tư phương tiện hiện đại vươn ra khơi xa đánh bắt hải sản.
Ảnh: Huy Thiện

Chúng tôi còn nhớ những năm 1996, 1997, 1998 cỡ thuyền 45 CV đã được coi là “to”; các xã, phường ven biển như Cà Nà, Phước Diêm, Phước Dinh, Đông Hải, Mỹ Đông, Khánh Hải, Tri Hải, Thanh Hải, Vĩnh Hải cũng chỉ dám đặt mục tiêu khuyến khích ngư dân đầu tư phát triển thuyền nghề từ 45 CV trở lên. Còn đìa nuôi tôm chủ yếu tập trung quanh đầm Nại và trại tôm giống chỉ có rải rác dọc bờ biển Bình Sơn và Tri Hải. Thế nhưng ngày nay, theo số liệu mới nhất của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, năng lực tàu cá toàn tỉnh là 2.579 chiếc, với tổng công suất 194.408 CV, riêng tàu cá từ 90 CV trở lên đã chiếm khoảng 25% số tàu thuyền và 70% tổng công suất. Cụ thể đã có gần 500 tàu từ 90 CV đến dưới 250 CV, gần 200 tàu từ 250 CV đến dưới 400 CV và khoảng 30 tàu trên 400 CV. Chỉ nhìn vào công suất máy của tàu cá đã thấy sự thay đổi lớn.

 
Ngư dân vùng biển Mỹ Tân nhộn nhịp vào mùa cá vụ Nam. Ảnh: Văn Miên

Năm 2006, diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản tỉnh ta đạt 2.750 ha, riêng mặt nước thả tôm nuôi là 1.500 ha và có 651/1.069 trại sản xuất tôm giống hoạt động. Dù nuôi trồng thủy sản có những biến động mới, nhưng năm 2011 vẫn có diện tích 1.604 ha thả nuôi (giảm 13,27% so với năm 2010), trong đó có 1.099 ha diện tích nuôi tôm nước lợ. Đặc biệt xác định sản xuất giống thủy sản là chủ lực, toàn tỉnh đã có 370 cơ sở sản xuất tôm giống hoạt động, 70 cơ sở sản xuất giống ốc hương, 10 cơ sở sản xuất giống tu hài và 2 cơ sở sản xuất giống cá nước ngọt. 

 

 Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam cơ sở tại xã An Hải (Ninh Phước, Ninh Thuận)
sản xuất tôm post phục vụ nuôi tôm thương phẩm. Ảnh: Văn Miên

Sự vươn lên ngoạn mục của ngành Thuỷ sản có thể thấy rõ qua các lĩnh vực sản xuất. Theo tư liệu chúng tôi có được, năm đầu tái lập tỉnh sản lượng khai thác hải sản chỉ đạt 12.650 tấn, tôm sú nuôi đạt 633 tấn, tôm sú giống đạt 50 triệu con, riêng các đối tượng thuỷ sản nuôi trồng khác cho đến năm 2000 vẫn chưa có gì. Nhưng sau vài năm, sản lượng khai thác, sản xuất thuỷ sản đã tăng đáng kể, đơn cử năm 2011 sản lượng hải sản khai thác đạt tới gần 56.000 tấn, trong đó có trên 54.200 tấn cá các loại, 1.085 tấn mực, 234 tấn tôm và 358 tấn hải sản khác; thu hoạch nuôi trồng đạt 350 tấn tôm sú, 7.450 tấn tôm thẻ chân trắng, 25 tấn tôm hùm lồng. Ngoài ra còn có sản lượng thu hoạch của các đối tượng nuôi trồng mới như: Rong sụn 2.500 tấn, cá nước ngọt 280 tấn, ốc hương 25 tấn, nhuyễn thể khác 65 tấn, cá nước mặn 10 tấn. Đáng nói là lĩnh vực sản xuất giống thủy sản đạt 12,7 tỷ con tôm giống (5 tỷ tôm sú và 7,7 tỷ tôm thẻ giống), 10 triệu con cá giống nước ngọt, 100 triệu con ốc hương giống và 15 triệu con tu hài giống.

  
 
Mùa thu hoạch tôm của nông dân thôn Từ Thiện (Phước Dinh, Thuận Nam). Ảnh: Văn Miên
 
 
Nông dân xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, thu hoạch ốc hương thương phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ảnh: Sơn Ngọc

Trong bước tiến dài của ngành Thuỷ sản không thể không nhắc tới hệ thống các công trình hạ tầng cảng cá, bến cá. Sau ngày tái lập tỉnh, bằng nhiều nguồn vốn thuộc các chương trình của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương, tỉnh ta đã đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng các cảng cá Đông Hải, Cà Ná, Ninh Chữ và bến cá Mỹ Tân đủ sức tiếp nhận hàng ngàn lượt tàu cá ra vào thuận lợi quanh năm, trú ẩn gió bão an toàn. Bên cạnh đó, tỉnh ta đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho nuôi trồng thuỷ sản như: Hệ thống kênh, mương, đê, kè, trạm bơm, hệ thống điện, đường giao thông...Các công trình hạ tầng đã góp phần hình thành các vùng nuôi chuyên canh và nâng cao hiệu quả sản xuất, bao gồm: Vùng sản xuất tập trung tôm giống tại An Hải (Ninh Phước), vùng nuôi tôm thương phẩm đầm Nại, Sơn Hải và An Hải. Việc quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đã góp phần làm cho nghề nuôi trồng thuỷ sản tỉnh ta phát triển bền vững với sản lượng và chất lượng ngày càng cao. Cùng với đó, trong 20 năm qua đã hình thành được hệ thống dịch vụ hậu cần và tiêu thụ sản phẩm tại các trung tâm nghề cá Đông Hải, Cà Ná và Ninh Chữ, góp phần vào sự phát triển của nghề cá. 

Nhà nước đầu tư mở rộng cảng cá Cà Ná đáp ứng nhu cầu phát triển tàu thuyền của ngư dân. Ảnh: Sơn Ngọc

Đồng chí Bùi Thị Anh Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Từ khi tái lập tỉnh đến nay, đã có nhiều lĩnh vực kinh tế thuỷ sản của tỉnh ta bứt phá vươn lên, từng bước khẳng định vị thế của mình trong nghề cá cả nước, nhất là sản xuất giống thủy sản”. Phát huy thế mạnh ấy, trong xu hướng phát triển mới, các tàu thuyền tỉnh ta cũng đang dần vươn ra khơi xa nhằm khai thác ngày càng nhiều hải sản có giá trị kinh tế cao phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản. Sau 20 năm, kinh tế thuỷ sản tỉnh ta đang tiếp tục tác động tích cực đến bộ mặt kinh tế, dân sinh và an ninh trật tự ở miền biển của tỉnh.