(NTO) Từ thực tế về nhu cầu lao động tại địa phương, hơn hai năm qua, bên cạnh việc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân được vay vốn từ các ngân hàng để đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất; huyện còn phối hợp với các trung tâm dạy nghề mở trên 30 lớp đào tạo nghề: may, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thủy sản, lớp thuyền viên, thuyền trưởng, máy trưởng…cho gần 1.000 lao động, nhằm giúp người lao động biết cách làm ăn và kiếm việc làm dễ hơn.
Thanh niên thị trấn Khánh Hải được học nghề may tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Ảnh: Sơn Ngọc
Hiệu quả cho thấy, sau các lớp đào tạo nghề, nhiều lao động nông thôn đã tìm được việc làm phù hợp, giải quyết được tình trạng thất nghiệp tại địa phương. Số lao động làm việc ở các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương… đã có thu nhập ổn định (bình quân hơn 3 triệu đồng/người/tháng) nhờ tay nghề được nâng cao, chủ yếu là dệt, may công nghiệp… Đặc biệt, nghề chế biến thủy sản tại khu vực Cam Ranh – Khánh Hòa đã thu hút một số lượng lớn lao động của 2 xã Hộ Hải và Tân Hải. Bên cạnh đó, nhiều người sau khi có được nguồn vốn vay, kết hợp với những kỹ thuật được tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt, đã mạnh dạn đầu tư tạo mô hình làm ăn riêng cho gia đình, bước đầu mang lại hiệu quả rất khả quan. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, toàn huyện đã có hơn 5.000 lao động được tạo việc làm mới. Riêng năm 2011 đã tạo việc làm mới cho hơn 3.000 lao động. Trong đó, giải quyết việc làm trong tỉnh cho 1.679 người, lao động ngoài tỉnh hơn 1.389 người. Riêng bà con đồng bào dân tộc Raglai hai thôn Cầu Gãy, Đá Hang (Vĩnh Hải), từ nguồn vốn dự án giảm nghèo vùng đặc thù, trình diễn các mô hình như thâm canh lúa nước, bò sinh sản…đã giúp bà con ngày càng chủ động trong việc vươn lên làm ăn thoát nghèo.
Đồng chí Trần Hoài Nam, Phó Trưởng phòng LĐ-TBXH huyện Ninh Hải cho biết: “Công tác đào tạo nghề tại địa phương luôn được huyện chú trọng. Ngoài việc tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các lớp đào tạo nghề, chúng tôi chủ động rà soát số lượng lao động cũng như định hướng theo nhu cầu phát triển kinh tế tại mỗi địa phương, để mở lớp và hướng lao động theo đúng định hướng chung như: vùng sản xuất nông nghiệp mở các lớp trồng Nho sạch, Thanh long ruột đỏ, …; vùng kinh tế biển thì phối hợp mở các lớp kỹ thuật nuôi trồng thủy sản; Thuyền viên, thuyền trưởng, máy trưởng…”
Có thể nói, những nỗ lực trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động của huyện Ninh Hải trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Hiệu quả được thể hiện qua cuộc sống ổn định của hàng ngàn người lao động sau khi tìm được hướng đi phù hợp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn đó những lao động sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề vẫn khó khăn trong tìm việc làm. Vì vậy, để việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại địa phương, ngoài việc tuyên truyền vận động, chọn và mở lớp đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tế tại các địa phương; khi đào tạo nghề, các cơ sở cần gắn với thị trường lao động, tạo mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu ra cho người lao động. Có như vậy mới thật sự mang lại hiệu quả cao trong việc giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần ổn định và nâng cao cuộc sống cho nhân dân.
Nguyễn Sơn