Trong bài phát biểu mở đầu phiên họp, Tổng thống nước chủ nhà Li Miêng Pắc (Lee Myung-bak) đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc hợp tác quốc tế chặt chẽ nhằm tăng cường cơ chế an ninh hạt nhân toàn cầu, đồng thời đề cao vai trò của các nhà lãnh đạo thế giới trong việc duy trì hòa bình và an ninh toàn cầu, cho rằng các nước cần thực hiện mọi biện pháp ngăn chặn tội phạm khủng bố sở hữu vật liệu hạt nhân. Tổng thống Li Miêng Pắc cũng bày tỏ hy vọng rằng từ những thành tựu đạt được sau Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân tổ chức tại Oasinhtơn (Washinton) năm 2010, hội nghị tại Xơun lần này sẽ tiến xa hơn trong việc tạo ra sự đồng thuận cũng như xây dựng các kế hoạch hành động trong tương lai.
Tổng thống Li Miêng Pắc nhấn mạnh chủ đề của hội nghị lần này là ngăn chặn khả năng vật liệu hạt nhân rơi vào tay các tổ chức khủng bố. Ông Li Miêng Pắc cho biết 1.600 tấn urani đã làm giàu ở mức độ cao và 500 tấn plutoni, vốn có khả năng chế tạo 126.500 vũ khí hạt nhân, đang được tàng trữ ở nhiều nơi trên trái đất.
Theo Tổng thống Li Miêng Pắc, giảm thiểu và loại bỏ tất cả các vật liệu hạt nhân đang quản lý một cách lỏng lẻo là giải pháp cơ bản để ngăn chặn khủng bố hạt nhân. Khẳng định "chúng ta cùng trên một con tàu và cùng hướng tới một hướng", bài diễn văn của Tổng thống Li Miêng Pắc có đoạn: "Chúng ta có nghĩa vụ đảm bảo hòa bình, an ninh và hạnh phúc cho con trẻ và các thế hệ tiếp theo".
Cũng tại phiên họp, Tổng thống Mỹ Barắc Ôbama (Barack Obama) kêu gọi các nước tham gia hội nghị lần này "không chỉ nói mà cần hành động", đồng thời nhấn mạnh hợp tác quốc tế là điều cần thiết trong cuộc chiến chống lại khủng bố hạt nhân. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào phát biểu khẳng định vai trò của Bắc Kinh cũng như những nỗ lực, các biện pháp mà nước này đã thực hiện trong lĩnh vực an ninh hạt nhân.
Trong bài phát biểu của mình, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra đề xuất bốn điểm về tăng cường an ninh hạt nhân trong tình hình mới.
Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân năm nay có sự tham gia của các nhà lãnh đạo, đại diện của hơn 50 quốc gia và 4 tổ chức quốc tế, bao gồm Liên hợp quốc, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol). Tại hội nghị lần này, đại diện các nước và các tổ chức quốc tế thảo luận về cách thức ứng phó với mối đe dọa khủng bố hạt nhân, bảo vệ vật liệu và cơ sở hạt nhân, cũng như ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép các vật liệu hạt nhân.
Hội nghị sẽ ra thông cáo Xơun, khẳng định lại những cam kết quốc tế trong việc giảm thiểu việc sử dụng urani và plutôni làm giàu ở cấp độ cao.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, báo chí Hàn Quốc dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng nước này cho biết CHDCND Triều Tiên đã thiết lập tổ hợp phóng tên lửa đưa vệ tinh lên quỹ đạo.
Theo nguồn tin trên, Triều Tiên đã đặt tên lửa trên bãi phóng Tôngchangri (Tongchang-ri) sau khi các bộ phận được chuyển đến và lắp đặt tại chỗ.
Tại các cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân, kế hoạch phóng vệ tinh bằng tên lửa đẩy của Triều Tiên cũng trở thành đề tài nóng được các nhà lãnh đạo đưa ra thảo luận. Sau cuộc gặp Tổng thống Nga Đmitơri Métvêđép (Dmitri Medvedev), Tổng thống Mỹ Ôbama đã một lần nữa kêu gọi Triều Tiên từ bỏ kế hoạch này.
TS