Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ hai là sự kiện chính trị quốc tế quan trọng với sự tham dự của Lãnh đạo cấp cao đến từ 53 nước, gồm các cường quốc hạt nhân và các nước có nhiều ứng dụng hạt nhân dân sự từ khắp các châu lục, và 4 tổ chức quốc tế (Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế). Hội nghị có mục tiêu nhìn lại những nỗ lực triển khai các cam kết, khuyến nghị đã đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ nhất (tháng 4/2010 tại Washington, Mỹ); xác định phương hướng và thảo luận những biện pháp tăng cường an ninh, an toàn hạt nhân trong tình hình mới. Trong hai ngày 26- 27/3, Hội nghị đã tập trung thảo luận 3 chủ đề quan trọng đối với an toàn và an ninh hạt nhân: “Nhìn lại tiến trình đã thực hiện từ Hội nghị Thượng đỉnh 2010 tại Washington”; “Các biện pháp quốc gia và hợp tác quốc tế để tăng cường an ninh hạt nhân và các cam kết tương lai”; và “Giao diện an toàn và an ninh hạt nhân”.
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị đã nhất trí thông qua Thông cáo chung
Kết thúc Hội nghị, Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị đã nhất trí thông qua Thông cáo chung thúc đẩy các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh trên 11 vấn đề lớn, gồm: cấu trúc an ninh hạt nhân toàn cầu, vai trò của IAEA, vật liệu hạt nhân, các nguồn phóng xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, an ninh vận chuyển, chống buôn lậu, giám định hạt nhân, văn hóa an ninh hạt nhân, an ninh thông tin và hợp tác quốc tế.
Thông cáo chung khẳng định các cam kết chính trị tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân năm 2010 ở Washington nhằm tăng cường an ninh hạt nhân, giảm thiểu mối đe dọa khủng bố hạt nhân và ngăn chặn những kẻ khủng bố, tội phạm hoặc những đối tượng khác chiếm hữu vật liệu hạt nhân một cách trái phép; khẳng định khủng bố hạt nhân tiếp tục là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh quốc tế. Để loại bỏ mối đe dọa này cần có các biện pháp quốc gia mạnh mẽ và hợp tác quốc tế có tính tới các hậu quả tiềm tàng ở quy mô toàn cầu về chính trị, kinh tế, xã hội và tâm lý của vấn đề này.
Thông cáo chung nhấn mạnh nhu cầu tiếp tục có các biện pháp cụ thể để xây dựng các điều kiện cho một thế giới không có vũ khí hạt nhân và tái khẳng định các mục tiêu chung về giải trừ vũ khí hạt nhân, không phổ biến vũ khí hạt nhân và sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân; cam kết phấn đấu cho một thế giới an toàn hơn cho tất cả mọi người, chia sẻ mục tiêu về an ninh hạt nhân; khẳng định Hội nghị Thượng đỉnh Hạt nhân là một tiến trình có ý nghĩa ở cấp chính trị cao nhất, ủng hộ lời kêu gọi chung về việc trong vòng 4 năm sẽ bảo đảm an ninh cho tất cả vật liệu hạt nhân dễ bị xâm hại. Theo đó, hoan nghênh những tiến bộ đáng kể được thực hiện theo các cam kết chính trị của các thành viên tham gia Hội nghị Thượng đỉnh tại Washington.
Thông cáo chung cũng nhấn mạnh trách nhiệm chủ yếu của các nước, phù hợp với các nghĩa vụ quốc gia và quốc tế của từng nước, đảm bảo an ninh hiệu quả cho tất cả các vật liệu hạt nhân, trong đó bao gồm cả các vật liệu hạt nhân sử dụng cho vũ khí hạt nhân và các cơ sở hạt nhân thuộc quản lý của họ, và ngăn chặn các đối tượng phi nhà nước chiếm hữu vật liệu hạt nhân và sở hữu thông tin hoặc công nghệ cần thiết để sử dụng cho các mục đích phá hoại.
Thông cáo chung cũng tái khẳng định các biện pháp tăng cường an ninh hạt nhân sẽ không cản trở quyền của các quốc gia trong việc phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân cho các mục đích hòa bình.
Ghi nhận vai trò thiết yếu của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trong việc điều phối hợp tác quốc tế và hỗ trợ các nỗ lực của các quốc gia trong việc thực hiện các trách nhiệm an ninh hạt nhân của họ, Thông cáo chung nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng của hợp tác quốc tế và khu vực, và khuyến khích các quốc gia thúc đẩy hợp tác các hoạt động chung với các đối tác quốc tế.
Qua sự cố Fukushima tháng 3 năm 2011 và mối liên hệ giữa an ninh hạt nhân và an toàn hạt nhân, Thông cáo chung khẳng định, cần có những nỗ lực không ngừng để giải quyết các vấn đề về an toàn và an ninh hạt nhân một cách thống nhất, qua đó sẽ đảm bảo an ninh và an toàn cho việc sử dụng năng lượng hạt nhân; sẽ tiếp tục sử dụng Thông cáo Washington và Kế hoạch làm việc như cơ sở cho hành động trong tương lai nhằm thúc đẩy các mục tiêu về an ninh hạt nhân.
Thông qua Thông cáo chung, các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thống nhất tiếp tục có những nỗ lực tự nguyện và thực chất hướng tới tăng cường an ninh hạt nhân và thực hiện các cam kết chính trị đã được đưa ra trong vấn đề này; đồng thời hoan nghênh những thông tin về các tiến bộ đã đạt được kể từ Hội nghị Thượng đỉnh Washington được các nước tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Seoul cung cấp.
Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân tiếp theo sẽ được tổ chức vào năm 2014 tại Hà Lan.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam