Thành công bước đầu
Tính tới thời điểm này, Việt Nam đã có 9 VĐV giành suất trực tiếp hoặc đạt chuẩn tới London gồm Chu Hoàng Diệu Linh, Lê Huỳnh Châu (teakwondo); Phạm Phước Hưng, Phan Thị Hà Thanh (TDDC); Văn Ngọc Tú (Judo); Hoàng Quý Phước (bơi, chuẩn B Olympic); Nguyễn Thị Thanh Phúc (điền kinh, chuẩn B Olympic); Hoàng Xuân Vinh, Lê Thị Hoàng Ngọc (bắn súng). Như thế để thấy, lần đầu trong lịch sử, thể thao nước nhà đã có những suất chuẩn trong 4 môn thể thao Olympic cơ bản.
Trần Lê Quốc Toàn được Bộ môn cử tạ kỳ vọng sẽ giành suất dự Olympic. Ảnh: Chi Bảo
Trước đây, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao - ông Nguyễn Hồng Minh xác nhận “nếu nói chung thể thao Việt Nam mạnh thì chưa hẳn đúng. Nhưng rõ ràng, với thể trạng và thể hình của VĐV Việt Nam thì chúng ta mạnh ở một số nội dung cụ thể của một số môn Olympic”.
Điều đó hoàn toàn đúng. Với việc có suất dự Olympic ở những môn cơ bản của Thế vận hội thì chúng ta đã có thể tự hào về một nền thể thao đang dần phát triển so với khu vực và châu lục. Như thế dễ thấy, thể thao Việt Nam ở các môn Olympic nói riêng, chưa lúc nào đạt cực thịnh như hiện tại.
Chúng ta đã có những suất Olympic qua các kỳ từ năm 1980 tới nay nhưng chủ yếu là những suất mời. Vì thế, thể thao nước nhà đã có 4 môn cơ bản đạt suất trực tiếp một phần phản ánh sự phát triển chung về kinh tế xã hội nước nhà cũng như sự đầu tư của riêng ngành.
Tại hội nghị triển khai công tác của ngành thể thao năm 2012 do Tổng cục TDTT tổ chức ở Hà Nội hồi trung tuần tháng 2, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - ông Lâm Quang Thành đã phát biểu “thể thao Việt Nam phấn đấu ít nhất có 10 VĐV giành suất chính thức dự Olympic.
Thể thao Việt Nam sẽ định hướng rõ ràng hơn để đạt dấu ấn với các môn Olympic”. Cùng quan điểm và tại hội nghị trên, Phó Chủ tịch kiêm TTK Ủy ban Olympic quốc gia - ông Hoàng Vĩnh Giang phát biểu ít nhất cũng phải giữ được thành tích 1 HCB như từng có ở Olympic Bắc Kinh 2008.
Còn chờ cử tạ
Tới bây giờ, ngoài trường hợp võ sĩ Trần Hiếu Ngân (teakwondo ở Olympic Sydney 2000) thì cử tạ nói riêng vẫn đạt dấu ấn đậm nét cho thành tích của thể thao nước nhà bằng tấm HCB tại Bắc Kinh cách đây 4 năm. Vì thế, Bộ môn cùng lãnh đạo Tổng cục TDTT vẫn đang như “ngồi trên đống lửa” để kỳ vọng cử tạ giành vé đi London.
Hẳn như thế, ngay đầu năm nay, lần đầu tiên các lực sĩ của đội tuyển được tập trung tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội thay vì phân tán ở các địa phương. Duy chỉ có Thạch Kim Tuấn vẫn tập luyện cùng HLV Huỳnh Hữu Chí tại TPHCM. Đích nhắm cuối cùng vẫn là cử tạ Việt Nam phải nằm trong nhóm 7 đội đứng đầu của nội dung đồng đội tại vòng loại Olympic của châu Á tới đây (bắt đầu vào ngày 20-4 tại Hàn Quốc).
Hiện nhóm tranh suất vẫn là Trần Lê Quốc Toàn và Thạch Kim Tuấn (56kg nam), ngoài ra, Bộ môn cũng nhắm tới một số cơ hội cho nữ, một khi đội nữ lọt vào nhóm 7 của nội dung đồng đội thì nghiễm nhiên sẽ có 1 suất trực tiếp đi Olympic. Lúc ấy, những lực sĩ như Nguyễn Thị Thúy, Nguyễn Thị Phương Loan… sẽ có lợi thế của riêng mình.
Cơ hội đang rõ ràng, quan trọng vẫn là chiến thuật thi đấu và tâm lý VĐV sẽ có được thành tích như mong muốn.
Nguồn SGGP Online