Theo kế hoạch trên, các nước thành viên EU được phép cấm công ty nước ngoài giành hợp đồng chính phủ trị giá trên 5 triệu ơrô từ nước thành viên EU nếu nước chủ quản có hành động tương tự với các công ty EU. Các công ty EU cũng được phép hạn chế công ty nước ngoài tiếp cận hợp đồng chính phủ từ những nước thứ ba, từng nhiều lần phân biệt đối xử với các công ty EU và từ chối thương lượng để giải quyết sự mất cân bằng trong thị trường hợp đồng chính phủ. Phát biểu với báo giới ở Brúcxen (Brussels, Bỉ), Ủy viên EU phụ trách thương mại Caren Đờ Gút (Karel De Gucht) nhấn mạnh EU muốn các nước mới nổi mở cửa thị trường cho các sản phẩm của khu vực này như EC đã làm đối với các sản phẩm của họ, đồng thời khẳng định biện pháp mới hoàn toàn không mang tính "trả đũa".
Theo Ủy viên EU phụ trách thị trường nội khối Misen Baniê (Michel Barnier), các đối tác thương mại của tổ chức này như Mỹ, Nhật Bản và các nước mới nổi đang áp dụng một số biện pháp và hạn chế mang tính bảo hộ trong thị trường hợp đồng chính phủ, khiến EU thiệt hại 12 tỷ ơrô (15,8 tỷ USD) mỗi năm giá trị hợp đồng chính phủ từ các nước thứ ba. Các biện pháp này chủ yếu liên quan đến hợp đồng về xây dựng, thiết bị đường sắt, xe buýt và sản xuất năng lượng.
Khoảng 85% thị trường hợp đồng chính phủ của EU, trị giá 352 tỷ ơrô, đã được bỏ ngỏ. Trong khi đó, tổng giá trị các hợp đồng chính phủ mà Mỹ chào mời các chủ thầu nước ngoài chỉ đạt 178 tỷ ơrô và Nhật Bản đạt 27 tỷ ơrô. Một số nước EU, đặc biệt là Pháp, đã khuyến nghị EC áp dụng biện pháp mới. Tổng thống Pháp từng tuyên bố kêu gọi "Người châu Âu dùng hàng châu Âu" như Mỹ kêu gọi "Người Mỹ dùng hàng Mỹ".
Theo TTXVN