Ngành Khoa học và công nghệ: Qua 20 năm phát triển

(NTO) Sau ngày tái lập tỉnh (1-4-1992), UBND tỉnh ban hành Quyết định số 291-QĐ/UB-NT thành lập Ban Khoa học Kỹ thuật - tiền thân của Sở KH&CN tỉnh Ninh Thuận. Với vai trò tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ (KHCN) trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

Qua 20 năm, cùng với sự nỗ lực phấn đấu và tâm huyết của đội ngũ CBCC, ngành KHCN đạt được một số kết quả nổi bật, trong đó, tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, quy định, hướng dẫn tập trung ở các lĩnh vực trọng điểm về hoạt động quản lý nghiên cứu KH&CN; phát triển tiềm lực KH&CN; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; sở hữu trí tuệ; ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ; an toàn bức xạ và hạt nhân; các dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc ngành quản lý…

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Sở KH&CN Ninh Thuận
với Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam. Ảnh: CTV

273 đề tài, dự án đã được triển khai, với tổng kinh phí đầu tư trên 64,2 tỷ đồng. Các hoạt động chuyển giao, ứng dụng kết quả, sản phẩm nghiên cứu khoa học đã được đẩy mạnh; tổ chức hàng trăm lượt hội nghị đầu bờ, hội thảo khoa học, tập huấn trực tiếp, thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng,… góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Đến nay đã bàn giao 78 kết quả nghiên cứu cho 37 sở, ngành, địa phương triển khai ứng dụng; tập huấn chuyển giao, sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học của 5 đề tài cho 64 cơ quan, đơn vị, 5 doanh nghiệp; chuyển giao cho Thư viện tỉnh 35 báo cáo tổng kết nghiên cứu khoa học để phổ biến rộng rãi cho nhân dân. Kết quả nghiên cứu 20 năm qua đã cung cấp những luận cứ khoa học cho lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể, ban, ngành các cấp ở tỉnh hoạch định chiến lược định hướng phát triển trên các lĩnh vực, ngành, địa phương, tác động tích cực thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là cơ cấu cây trồng - vật nuôi trong nông nghiệp, nông thôn; vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao năng suất, chất lượng, bảo vệ môi trường trong đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản,... góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH tỉnh nhà.

Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Tp.Hồ Chí Minh
tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả thu thập đề tài nghiên cứu "Văn hóa phi vật thể người Việt tỉnh Ninh Thuận".
Ảnh: Văn Thanh

Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, đã tuyển chọn, đánh giá, hoàn thiện các loại giống cây trồng, vật nuôi đặc thù của tỉnh (giống nho ăn tươi, nho làm rượu, bắp, mì, đậu, cừu, rong biển,…); hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân sản xuất các mô hình sản xuất sạch hơn (tiêu chuẩn GAP), canh tác theo hướng đáp ứng các nhu cầu về sản phẩm nông sản sạch, góp phần bảo vệ môi trường, đưa thương hiệu nho sạch Ninh Thuận vào các siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh.

Công ty CP Giống Nha Hố chọn lọc nhân rộng nhiều giống lúa mới
phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương. Ảnh: Sơn Ngọc

Nhân rộng trên toàn tỉnh 72 ha rau an toàn; các phương pháp canh tác sản xuất tiến bộ, áp dụng khoa học- kỹ thuật thay đổi các tập quán canh tác lạc hậu của nông dân khu vực nông thôn - miền núi. Điển hình, đã chọn được nhiều giống mì năng suất cao như giống KM 228 vượt 45 – 49%, KM 140 vượt 14-20%; các giống mía KK2...Nghiên cứu thử nghiệm, chuyển giao các quy trình chọn đối tượng nuôi mới như sò huyết, ốc hương, tôm càng xanh, cá rô đồng, hàu... Đặc biệt là nhóm các đề tài nghiên cứu di giống trồng thử nghiệm, hoàn thiện kỹ thuật trồng, thu hoạch, bảo quản rong sụn góp phần nhân rộng diện tích trồng rong trên toàn tỉnh từ 23ha (năm 2001) lên đến 450ha (năm 2009); đã nhân rộng ứng dụng 10 hệ thống bơm va, bơm thuỷ luân trên toàn tỉnh, cung cấp nước tưới cho 43 ha diện tích đất sản xuất, cung cấp nước phục vụ chăn nuôi 650 đầu gia súc (bò, dê, cừu) của 39 hộ dân; chuyển giao, nhân rộng mô hình công nghệ xử lý nước cho 144 địa điểm thuộc các khu vực khó khăn về nước sinh hoạt.

Nông dân HTX Rau an toàn Văn Hải, phường Văn Hải ứng dụng tiến bộ kỹ thuật
trồng cây Măng Tây xanh. Ảnh: Duy Anh

Trong lĩnh vực ứng dụng và hoàn thiện công nghệ, đã nghiên cứu thành công 6 quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh vật, điều chế thành công 4 loại chế phẩm và phân hữu cơ vi sinh thành phẩm, quy trình công nghệ chế biến và bảo quản bột nho, ly trích hoạt chất trong cây neem để làm nguyên liệu điều chế thuốc trị bệnh cho người và gia súc, gia cầm, thuốc bảo vệ thực vật, phân sinh học; quy trình chế biến mứt nho, vang nho, chế biến một số sản phẩm thực phẩm từ rong sụn,... hiện đã có 5 doanh nghiệp của tỉnh ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất đưa các sản phẩm tiêu thụ trên thị trường cả nước. Đã điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng, tiềm năng của tài nguyên như: nước, đất, khoáng sản, động- thực vật,… làm luận cứ cho việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, thu hút các dự án đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nghiên cứu xây dựng hệ thống cảnh báo lũ lụt, hạn hán; mô hình trình diễn ngăn ngừa thoái hóa đất, nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực cho địa phương trong việc thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

 
Cán bộ Trung tâm Thông tin ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trực thuộc Sở Khoa học & Công nghệ
đang phân tích vi sinh. Ảnh: V.Miên

Lĩnh vực hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN cấp huyện được đẩy mạnh. Các huyện, thành phố đã thành lập Hội đồng KH&CN và đi vào hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực. Đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học cấp huyện ngày càng được đào tạo và nâng cao về chất và lượng, đã đào tạo cho 91 lượt cán bộ về kiến thức quản lý nhà nước trong hoạt động KH&CN, thường xuyên học tập và áp dụng tiến bộ khoa học từ các mô hình đã triển khai thành công tại các tỉnh bạn, đã triển khai 66 mô hình dự án KH&CN tại 7 huyện, thành phố với tổng kinh phí đầu tư trong 6 năm (2006-2012) đạt 2,7 tỷ đồng, giải quyết được những vấn đề cấp thiết của địa phương.

 

Cán bộ Viện Nghiên cứu cây bông Nha Hố thực hiện nghiên cứu khoa học. Ảnh: Văn Miên

Hoạt động thông tin KH&CN được chú trọng, đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ cán bộ và nhân dân, từ đó tác động vào hoạt động phát triển KT-XH của tỉnh. Đã phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình Ninh Thuận xây dựng và thực hiện 157 chương trình phát trên kênh NTV; 60 chuyên trang KH&CN trên Báo Ninh Thuận; trên 30 ngàn bản tin KH&CN; hơn 6.000 bản tạp chí KH&CN. Lĩnh vực hoạt động quản lý công nghệ, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ, hạt nhân được quan tâm, đã chuyển giao công nghệ sản xuất gạch Tuy-nen của Nga ở Nhà máy gạch tuy-nen Du Long; Cải tạo thiết bị lò hơi và hệ thống dao cắt mía của Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang, nâng công suất từ 350 tấn/ngày lên 500 tấn mía cây/ngày, đến nay tiếp tục nâng công suất 700 tấn mía cây/ngày, chất lượng đường đạt tiêu chuẩn RS tiêu thụ nội địa. Chuyển giao công nghệ hệ thống sản xuất muối kết tinh dài ngày, phủ bạt che mưa từ Viện Muối Thiên Tân Trung Quốc, áp dụng công nghệ này tại Xí nghiệp Muối Tri Hải thuộc Công ty Cổ phần Muối Ninh Thuận, sản xuất muối công nghiệp đạt loại I, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, giúp nâng cao năng suất và chất lượng, thị trường tiêu thụ sản phẩm nhanh, đạt giá cao 1,4-1,5 triệu đồng/tấn muối; cải tiến thiết bị và dây chuyền sản xuất hạt điều xuất khẩu theo tiêu chuẩn Mỹ, Trung Quốc của Công ty Cổ phần Xuất khẩu Nông sản Ninh Thuận; đăng ký thương hiệu đưa sản phẩm hạt điều vào thị trường EU, Trung Quốc, Mỹ; bước đầu nghiên cứu triển khai các phương án tiết kiệm năng lượng, hợp lý hoá sản xuất…tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về KH&CN, nổi bật nhất là Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về KH&CN, giai đoạn 2011- 2015 với tổng kinh phí 10 tỷ đồng; đã hướng dẫn cho hàng trăm lượt cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ: trong đó có 1 sáng chế, 1 kiểu dáng công nghiệp, 92 nhãn hiệu được cấp bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; triển khai và được cấp văn bằng bảo hộ “Chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận” cho sản phẩm nho của tỉnh Ninh Thuận".

Hoạt động tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng đã bám sát tinh thần Nghị quyết 08/TU của Tỉnh ủy về việc xác định hoạt động tiêu chuẩn - đo lường- chất lượng có vai trò định hướng, góp phần tác động vào sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, phục vụ các mục tiêu kinh tế- xã hội của tỉnh. Thường xuyên rà soát thay thế tiêu chuẩn lỗi thời, cập nhật và bổ sung 800 tiêu chuẩn trên các lĩnh vực: thực phẩm, đo lường, vật liệu xây dựng, phân thuốc, nhiên liệu, cao su, hóa chất... Cung cấp Tiêu chuẩn Việt Nam (nay là Tiêu chuẩn Quốc gia) cho các sở, ngành tham khảo phục vụ công tác quản lý chuyên môn. Tham mưu triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2008 cho 43 cơ quan hành chính, 15 doanh nghiệp áp dụng ISO 9000, HACCP và 11 doanh nghiệp đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia

 
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân vận hành bơm va ở Tà Nôi - Ma Nới.
Ảnh: Văn Miên

Tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, đồng thời bám sát quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, trong giai đoạn tới ngành tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục đầu tư, tổ chức nghiên cứu - ứng dụng KH&CN nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực công nghệ, an toàn bức xạ, hạt nhân và sở hữu trí tuệ; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KH&CN, tạo điều kiện giao lưu học tập nhằm nâng cao năng lực quản lý KH&CN trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh phát triển chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về KH&CN; hỗ trợ tư vấn về sở hữu trí tuệ, trong đó chú trọng thương hiệu cho các sản phẩm đặc thù của địa phương như: hành, tỏi, bò, dê, cừu, rong sụn, neem. Tăng cường tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển hoạt động áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISO, HACCP,..), bảo hộ sở hữu công nghiệp trong và ngoài nước đối với sản phẩm xuất khẩu, bảo hộ sở hữu công nghiệp đối với sản phẩm truyền thống của địa phương… Đầu tư cơ sở vật chất cho xưởng sản xuất thực nghiệm sản phẩm công nghệ mới, phòng thí nghiệm, Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, phát triển Trung tâm Thông tin - Ứng dụng tiến bộ KH&CN trở thành đơn vị nghiên cứu - chuyển giao hàng đầu của tỉnh có đủ năng lực chủ trì các nhiệm vụ KH&CN trọng điểm của tỉnh.