(NTO) Trong điều kiện hiện nay, việc ban hành Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (SDĐPNN) là rất cần thiết, vì những lý do:
Trong thời gian qua, Thuế SDĐPNN được điều chỉnh theo Pháp lệnh Thuế nhà, đất được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 3-7-1992, được sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về điều tiết nguồn thu đối với đất phi nông nghiệp năm 1994. Pháp lệnh này bước đầu đặt cơ sở cho việc tăng cường quản lý nhà nước đối với Thuế SDĐPNN, động viên đóng góp của người SDĐPNN vào ngân sách nhà nước, tăng cường nguồn lực cho ngân sách địa phương. Qua gần 20 năm thực hiện, đến nay, nhiều bất cập đã phát sinh trong hoạt động quản lý nhà nước về đất đai, nổi bật là việc điều tiết sử dụng đất; nhiều quy định của Pháp lệnh đã không còn đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Luật Đất đai năm 2003 như đối tượng chịu thuế, nguồn thu ngân sách nhà nước từ Thuế SDĐPNN chưa tương xứng với giá trị của đất đai; một số quy định về quản lý Thuế SDĐPNN trong Pháp lệnh đã được thể hiện trong Luật Quản lý thuế. Đặc biệt, những quy định trong Pháp lệnh đó chưa thể hiện rõ vai trò điều tiết, quản lý đối với đất phi nông nghiệp của Nhà nước trong vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay ở Việt Nam. Vì vậy, việc sửa đổi, nâng cao giá trị pháp lý của Pháp lệnh là cần thiết, nhằm hoàn thiện một bước khuôn khổ pháp lý về quản lý, sử dụng đất theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, công bằng.
Việc nâng Pháp lệnh Thuế nhà, đất lên thành luật nhằm phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội quy định tại Điều 84, Hiến pháp năm 1992, được sửa đổi, bổ sung năm 2001 là: Việc sửa đổi hoặc bãi bỏ các loại thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Đồng thời, việc xây dựng Luật Thuế SDĐPNN vừa nhằm thể chế hóa chủ trương đổi mới chính sách về đất đai của Đảng đã đề ra trong Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 30-1-2008, vừa nhằm thực hiện Chương trình Cải cách hệ thống thuế đến năm 2010. Theo đó, chính sách thuế liên quan đến tài sản là đất phi nông nghiệp sẽ được hoàn thiện theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế, bảo đảm công bằng giữa các tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng tài sản là đất phi nông nghiệp, tăng cường hơn nữa vai trò của thuế trực thu, trong đó có Thuế SDĐPNN; đồng thời, hoàn thiện và đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật về thuế, thống nhất với quy định của Luật Quản lý thuế; phù hợp với thực tiễn và phù hợp với các quy định của Pháp luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư và các chính sách thu thuế khác liên quan đến đất đai.
Việc ban hành Luật Thuế SDĐPNN bảo đảm động viên hợp lý sự đóng góp của người sử dụng đất, nhất là những đối tượng sử dụng đất vượt hạn mức quy định vào ngân sách nhà nước, tiếp cận với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay.
Để góp phần đưa Luật Thuế SDĐPNN nhanh đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh đã và đang tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm công việc sau:
Trong việc xây dựng kế hoạch công tác tuyên truyền phổ biến và giáo dục pháp luật, chủ động đưa công tác tuyên truyền phổ biến Luật Thuế SDĐPNN vào chương trình hoạt động của Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như trong kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Tăng cường công tác phối kết hợp với các cơ quan, đơn vị trong việc tuyền truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là các cơ quan liên quan như Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh, các cơ quan Thuế..., đặc biệt là tăng cường phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin truyền thông, nhằm tăng tính hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thuế SDĐPNN đến với mọi tầng lớp dân cư.
Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền lồng ghép Luật Thuế SDĐPNN năm 2011 vào các hoạt động chuyên môn khác như công tác bồi dưỡng cán bộ làm công tác Tư pháp ở cơ sở, cán bộ trong các tổ Hòa giải ở cơ sở, trong hoạt động của Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh..., với nhiều hình thức phong phú như mở các lớp bồi dưỡng, hoạt động trợ giúp pháp lý, sinh hoạt “Ngày pháp luật”… Trên cơ sở đó giúp cho lực lượng này hiểu biết rõ hơn về Luật Thuế SDĐPNN và họ sẽ là lực lượng nòng cốt, đông đảo thực hiện công tác phổ biến pháp luật nói chung, Luật Thuế SDĐPNN nói riêng và vận dụng trong hoạt động hòa giải ở cơ sở, trong hoạt động trợ giúp pháp lý trong cộng đồng dân cư, giúp cho các cộng đồng dân cư hiểu biết về luật và tự giác thực hiện luật.
Về nội dung tuyên truyền, tập trung vào các nội dung cơ bản, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của người SDĐPNN như đối tượng chịu thuế, đối tượng được miễn giảm thuế, mức thuế, thủ tục đăng ký và nộp thuế…
Với việc thực hiện triển khai đồng bộ các nhóm công việc trên, tin rằng Luật Thuế SDĐPNN sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần giúp cho hoạt động quản lý nhà nước đối với Thuế SDĐPNN nói riêng, trong quản lý nhà nước đối với đất đai ở Ninh Thuận sẽ đạt hiệu quả cao.
Trương Tiến Hưng
Phó Giám đốc Sở Tư pháp