Quang cảnh Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng kinh tế Á - Âu.
Chuyển sang cơ chế hội nhập mới
Tham dự cuộc họp có các tổng thống của Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan, lãnh đạo các quốc gia quan sát viên là Armenia, Moldova và Ukraine. Điện Kremlin cho biết, trong cuộc gặp lần này, nguyên thủ các quốc gia thành viên EurAsEC sẽ thảo luận để thông qua quyết định về những nguyên tắc cơ bản của dự thảo hiệp ước quy định việc cải tổ Cộng đồng kinh tế Á - Âu thành một tổ chức liên kết mới, sang cơ chế hội nhập mới theo hướng sâu và rộng hơn trong nền kinh tế toàn cầu.
Các quốc gia tham dự hội nghị đã đạt được thỏa thuận về vấn đề này tại Hội nghị thượng đỉnh hồi cuối năm 2011. Hội nghị cũng thảo luận những khía cạnh quan trọng khác của tiến trình tiếp tục hội nhập, trong đó có việc nhất thể hóa kiểm soát hộ chiếu - thị thực tại các quốc gia thành viên Liên minh Hải quan, nhằm bảo đảm cho người dân các nước thành viên được đi lại tự do trên lãnh thổ các nước này.
Hãng Itar-Tass nhận định, các quyết định được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ góp phần tạo xung lực mới cho các tiến trình hội nhập trong không gian Á - Âu. Trong suốt 10 năm qua, EurAsEC đã chứng tỏ đây là cơ chế hội nhập kinh tế đa phương hiệu quả. Vì vậy, phối hợp hành động trong khuôn khổ này là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga.
Khu vực có nhiều tiềm năng phát triển
Nhằm làm sâu sắc hơn nữa tiến trình hội nhập giữa 3 nước thành viên Liên minh Hải quan, gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Không gian kinh tế thống nhất của ba nước này (EEP) nằm trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế Á - Âu đã đi vào hoạt động từ tháng 1 vừa qua, trong đó áp dụng chính sách đồng thuận về thuế, tín dụng, tài chính-tiền tệ, thương mại và hải quan nhằm đảm bảo tự do lưu thông hàng hóa, dịch vụ, vốn và nguồn nhân lực. Không loại trừ khả năng trong tương lai, các nước thành viên EurAsEC còn lại cũng sẽ gia nhập tổ chức này nếu có đủ tiềm lực kinh tế.
Đây được xem là nỗ lực trong việc tăng cường liên kết giữa các nước SNG nhằm tận dụng quan hệ truyền thống dưới thời Liên Xô trước đây. Với việc 3 nước Nga, Belarus và Kazakhstan cho ra đời một cơ chế siêu quốc gia đầu tiên, đề án hội nhập quan trọng nhất trong không gian hậu Xô viết đã thành hiện thực, tạo nên một thị trường rộng lớn với 165 triệu người tiêu dùng, có sự thống nhất hóa về vốn, dịch vụ và lao động. Những người sáng lập EEP cho biết sẽ đưa mô hình liên kết này đi theo lộ trình từ EEP đến Liên minh kinh tế Á - Âu và cuối cùng là Liên minh Á - Âu (EAS) trên cơ sở kết nạp thêm các thành viên mới.
Nền móng của Liên minh Á - Âu chính là SNG, một khu vực có rất nhiều tiềm năng phát triển với dân số gần 300 triệu người và tổng sản phẩm quốc dân khoảng 1.700 tỷ USD/năm. Việc thành lập một Liên minh Á - Âu được cho là để giành vị trí lợi thế về địa chính trị chiến lược và địa kinh tế tại liên lục địa Á - Âu và cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Liên minh Á - Âu được xác định là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga, khi Thủ tướng Putin quay lại làm tổng thống nước Nga vào năm 2012. Đó là một trong những điểm nổi bật trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Putin khi ông đang có chủ trương mở rộng hợp tác đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông từng tuyên bố muốn hiện thực hóa liên minh này trong năm 2015.
Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan ra đời vào ngày 1-1-2010, với mục đích tăng cường hội nhập kinh tế khu vực giữa 3 quốc gia. Được thiết lập để loại bỏ tất cả các biên giới hải quan giữa mỗi nước kể từ tháng 7-2011. Với luật mới, lưu thông hàng hóa trong thị trường cả 3 nước sẽ theo lệ phí thống nhất, trừ một số mặt hàng đặc biệt. Trong mọi trường hợp, dân thường được làm thủ tục kiểm tra hải quan đơn giản đến mức tối thiểu tại các cửa khẩu biên giới bên trong của liên minh, giảm bớt chi phí và đẩy nhanh lưu thông hàng hóa. Trong khuôn khổ liên minh, mỗi cá nhân có thể vận chuyển qua lãnh thổ nước láng giềng lượng hàng hóa miễn thuế đến 50kg. Ngoài ra, công dân cả 3 nước sẽ được chuyển ngân qua biên giới giữa các thành viên theo một quy định thống nhất.
Nguồn Báo SGGP Online