Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Ruyêncốt bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực nước và môi trường của Việt Nam do Chính phủ Pháp hỗ trợ. Ông đồng thời cũng chú trọng quan hệ giữa nước trong các lĩnh vực khác như năng lượng, sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực, quyền được tiếp cận nguồn nước sạch cũng như các vấn đề quốc tế liên quan đến các dòng sông xuyên biên giới.
Về phần mình, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh, Pháp là đối tác quan trọng của Việt Nam, đã và đang giúp Việt Nam thực hiện các dự án về nước và môi trường, đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu và dành cho Việt Nam sự hỗ trợ kỹ thuật trong quản lý nguồn nước, quản lý lưu vực sông.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, 80% dân số Việt Nam được tiếp cận nước sinh hoạt vì "Việt Nam là đất nước của các con sông", đồng thời đề nghị Pháp tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu ảnh hưởng của các dòng sông, trước hết là sông Hồng và sông Mê Công, hai con sông chảy qua nhiều quốc gia mà Việt Nam nằm ở hạ lưu. Theo Bộ trưởng, việc xây dựng nhiều đập thủy điện trên dòng sông Mê Công sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn nước cung cấp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của Việt Nam và thế giới, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của hơn chín triệu dân sống tại khu vực này. Việt Nam muốn Pháp tham gia mạnh mẽ hơn vào Ủy hội sông Mê Công với tư cách là một nước phát triển, để chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác và có tiếng nói "trọng lượng" trong lĩnh vực này, hỗ trợ Việt Nam thực hiện các nghiên cứu về quản lý nguồn nước sông Mê Công và sông Hồng.
Bộ trưởng Ruyêncốt cho biết bất chấp khó khăn của khủng hoảng kinh tế và tài chính ở châu Âu, Pháp vẫn giữ nguyên ngân sách dành cho hợp tác phát triển quốc tế, hoàn toàn ủng hộ những đề xuất của Việt Nam và đề nghị tăng cường các hoạt động hợp tác với Việt Nam, tham gia Ủy hội sông Mê Công và các hình thức hỗ trợ song phương liên quan đến sông Mê Công ở Việt Nam.
Tại Diễn đàn về Nước toàn cầu lần thứ 6 này, đoàn Việt Nam còn tham dự phiên họp về công cụ đảm bảo quản lý tổng hợp tài nguyên nước và đã có bài tham luận về quy hoạch tài nguyên nước trên lưu vực sông Đồng Nai, đồng thời nghe các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện dự án "Quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở lưu vực sông Đồng Nai". Đoàn Việt Nam cũng tham dự các phiên thảo luận về chế độ nước đối với vấn đề năng lượng, an ninh lương thực và đặc biệt quan tâm đến các đề tài "Các bên liên quan và cơ hội sử dụng nước" "Nước và cơ hội phát triển xanh" "Xem xét, kiểm soát và xử lý nước thải.
Với việc công bố Tuyên bố cấp Bộ trưởng gồm hơn hai mươi điểm, trong đó có điều khoản liên quan việc thực hiện quyền được tiếp cận với nguồn nước uống và nước sạch. Đây chính là một tiến bộ mới đạt được của diễn đàn lần này, vì tại diễn đàn lần trước văn bản này chỉ là một trong các nội dung tranh luận.
T.S