Chú trọng đào tạo và sát hạch
Hiện nay, công tác đào tạo và sát hạch lái xe vẫn còn những hạn chế, như: nội dung, chương trình đào tạo chưa phù hợp với thực tế; một số trung tâm đào tạo chưa thực hiện nghiêm nội dung, chương trình đào tạo; sát hạch vẫn theo hình thức truyền thống; GPLX còn lạc hậu, dễ bị tẩy xóa hoặc làm giả; chưa hình thành cơ sở dữ liệu GPLX thống nhất toàn quốc…
Để khắc phục tình trạng này, Tổng Cục đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đã xây dựng Đề án nâng cao chất lượng, sát hạch lái xe với nhiều quy định mới, trong đó có quản lý chặt các cơ sở đào tạo, tiến hành thanh kiểm tra đột xuất…
Những bất cập trong đào tạo và sát hạch lái xe sẽ được đặc biệt xem xét
Những quy định cụ thể của Đề án này sẽ là điều kiện để nâng cao hơn nữa nhận thức, ý thức, nghề nghiệp và kỹ năng điều khiển phương tiện trên đường của đội ngũ lái xe, tạo ra đội ngũ lái xe có tay nghề cao, đạo đức nghề nghiệp và văn hóa khi tham gia giao thông để giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đường bộ Việt Nam khẳng định: “Chương trình đào tạo sửa đổi theo hướng nâng cao chất lượng, điều chỉnh tương tích thời gian đào tạo với km thực hành, bổ sung thêm những nội dung về văn hóa của người lái xe trên lĩnh vực chuyên ngành của người lái xe. Về sát hạch sẽ lắp đặt thiết bị giám sát thực hành lái xe trên đường, tăng cường công khai minh bạch tất cả các khâu trong sát hạch lái xe”.
Công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đây được cho là vấn đề rất quan trọng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và văn hóa khi tham gia giao thông của đội ngũ lái xe. Tuy nhiên, công việc này rất phức tạp và liên quan đến nhiều cấp, mang tính xã hội hóa cao. Các giải pháp phải triển khai đồng bộ, kiên quyết thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Ông Tống Ngọc Đông - Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bắc Ninh nêu ý kiến: “Ngoài việc ban hành ra các văn bản quy định về công tác quản lý đào tạo cấp giấy phép lái xe và việc ban hành các tiêu chuẩn như phòng học, sân tập, sân sát hạch…thì để nâng cao công tác đào tạo sát hạch thì công tác giám sát phải được đặc biệt quan tâm. Ngoài kiểm tra thường xuyên thì cần phải kiểm tra đột xuất, thông qua đó có thể đánh giá và điều chỉnh kịp thời các cơ sở vi phạm…”.
Tháng 5 bắt đầu cấp GPLX mới trên cả nước
Về GPLX mới, ông Quyền cho biết: “Đổi mới GPLX theo công nghệ hiện đại, bảo mật khắc phục tình trạng tẩy sửa làm giả GPLX khá phổ biến hiện nay và tăng cường cơ sở dữ liệu GLPX toàn quốc để thông qua đó cơ quan xử lý có thể giám sát được quá trình quản lý đào tạo sát hạch cấp đổi GPLX để cơ quan tuần tra kiểm soát có thể cập nhật được từng trường hợp bị thu giữ GLPX vào cơ sở dữ liệu để quản lý”.
Mẫu GPLX mới sắp cấp trên cả nước
GPLX theo mẫu mới được sử dụng công nghệ in hiện đại, công nghệ bảo mật mã hóa một số thông tin trên ảnh của người được cấp GPLX đang được nhiều nước sử dụng. Khi quản lý thống nhất cơ sở dữ liệu toàn quốc sẽ ngăn chặn được tình trạng báo mất hoặc 1 người lái xe nhưng xin cấp 1 số nơi để sử dụng nhiều GPLX.
Cuối tháng 2 vừa qua, việc thí điểm cấp GPLX theo mẫu mới đã được triển khai ở Đà Nẵng và Bắc Ninh, mục tiêu đặt ra của đề án đã thực hiện được, dù một số bất cập về chuyên môn công nghệ thông tin đã xảy ra.
“Với GPLX mẫu mới, cơ sở dữ liệu đồng bộ trên toàn quốc giúp cơ quan quản lý có thể truy cập vào hệ thống để biết được trường hợp nào vi phạm bao nhiêu lần, ở đâu, lỗi như thế nào. Đặc biệt, lực lượng làm nhiệm vụ, như công an, thanh tra giao thông, có thể dễ dàng xử lý khi được trang bị kính giải mã - đặt lên ảnh người trên GPLX sẽ hiện ra một số thông tin bảo mật - để kiểm tra tức khắc tính xác thực của người sử dụng GPLX.
Bên cạnh đó, CSGT cập nhật hành vi vi phạm, bị thu giữ GPLX lên hệ thống dữ liệu để kiểm soát…; thậm chí, có thể tra cứu dữ liệu vi phạm của lái qua hệ thống tin nhắn bằng điện thoại. Công tác này sẽ được tập huấn trong tháng 4,” ông Quyền khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Quyền, khó khăn lớn nhất là một số địa phương thiếu tiền đầu tư máy chủ của hệ thống do vướng mắc nghị quyết 11 cắt giảm đầu tư công. Bộ GTVT đã đề nghị các địa phương cấp kinh phí vì đây là mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông và các địa phương đang xem xét.
Được biết, vào cuối tháng 4, công tác cấp GPLX mới sẽ báo cáo Bộ GTVT đầu tháng 5 địa phương nào thực hiện đầu tư thiết bị xong thì sẽ cấp GPLX mới, địa phương nào chưa xong sẽ cấp sau. Phí cấp GPLX theo mẫu mới được đề xuất là 135.000 đồng và hiện đang được Bộ GTVT lấy ý kiến góp ý.
Nguồn dantri.com.vn