(NTO) Vợ chồng anh Thủy đang tất bật đổ bắp lai ra phơi vàng kín sân nhà. Anh chị có ba người con đều chăm ngoan, học tập khá giỏi từ bậc phổ thông đến đại học. Cháu trai đầu là Lê Văn Chung đang học năm thứ 5 khoa Kiến trúc thuộc trường Đại học Xây dựng. Cháu thứ hai là Lê Văn Phi đang học năm thứ 4 khoa Kế toán- Kiểm toán thuộc Trường Đại học Kinh tế. Cháu thứ ba là Lê Thị Anh Thư thi đậu vào học tại Trường Đại học Công nghiệp nhưng “mê” ngành đối ngoại nên cháu chuyển qua học năm thứ hai của Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại. Cháu Thư được Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh tặng giấy khen về thành tích đạt giải ba môn tiếng Anh kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2006- 2007. Hiện nay, cháu Thư là học sinh giỏi được nhận học bổng của Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại. Các cháu vừa được Chủ tịch Hội Khuyến học xã Phước Sơn tặng giấy khen đạt thành tích cao trong học tập năm 2011.
Anh nông dân Lê Văn Thủy chăm lo làm ăn nuôi ba con học đại học .
Trao đổi với nông dân Lê Văn Thủy, chúng tôi được biết quê gốc anh ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm 1981, anh Thủy vừa tròn 16 tuổi được mẹ đưa vô xã Phước Sơn lập nghiệp. Buổi đầu trên vùng quê mới, hai mẹ con ở nhờ nhà người bà con đi làm thuê sinh sống qua ngày. Lần hồi, anh Thủy thuê đất trồng bắp, trồng thuốc lá. Đức tính cần cù chịu thương chịu khó gắn bó đất đai, cuộc sống gia đình anh ngày càng phát triển. Qua 30 năm tích cóp vốn liếng đầu tư mở rộng sản xuất, vợ chồng anh chủ quyền sử dụng 1,4 ha đất màu và 3 sào ruộng lúa chủ động tưới canh tác ba vụ. Trong đó có 1 ha chuyên trồng bắp lai và 4 sào đất “luân canh” khổ qua, súp lơ, táo lê. Chỉ với 1,5 sào đất trồng khổ qua bán vào dịp tết Nguyên đán Nhâm Thìn, anh có lãi trên 70 triệu đồng. Vụ bắp lai đông xuân, anh thu hoạch khoảng 9 tấn bắp hạt trị giá 54 triệu đồng, trừ hết chi phí đầu tư còn lãi trên 30 triệu đồng. Tính riêng vụ sản xuất đông xuân năm nay, gia đình anh Thủy thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Nhờ hôm sớm làm ăn có thu nhập khá ổn định từ sản xuất nông nghiệp, anh chăm lo nuôi con ăn học chu đáo.
“Đất canh tác của gia đình tôi ở Rừng Lim là đồng sét cà dang, nắng không ưa, mưa không chịu. Tôi tập trung đầu tư phân chuồng cải tạo đất trồng các loài cây ngắn ngày chủ động bơm tưới từ hệ thống thủy lợi kênh Nam đạt năng suất cao. Làm ăn trúng mùa được giá nên cuộc sống gia đình ngày một phát triển, tôi chăm lo đầu tư cho ba đứa con học hành chu đáo. Điều đáng mừng là các cháu đều chăm ngoan, học giỏi. Trước đây do hoàn cảnh gia đình nghèo, tôi học chưa hết cấp hai. Nay vợ chồng tôi dốc lòng nuôi con học hành tới nơi tới chốn trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội”, anh Lê Văn Thủy chia sẻ niềm vui.
Sơn Ngọc