(NTO) Được biết, kể từ ngày 1-5-2012, phí BHYT sẽ tăng khoảng 26% so với mức cũ khi mà mức lương tối thiểu dự kiến được nâng từ 830.000 đồng lên 1.050.000 đồng. Việc tăng phí BHYT có tác động nhất định về kinh tế đối với các đối tượng hộ cận nghèo, người lao động có thu nhập thấp và người nông dân. Chính phủ cũng đã chấp thuận với chủ trương và phương án tăng viện phí trong dự thảo do liên bộ: Bộ Y tế - Bộ Tài chính - Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đề xuất. Theo đó, có khoảng 400 dịch vụ, kỹ thuật y tế được điều chỉnh tăng giá cao hơn mức giá ban hành theo Thông tư liên bộ số 14/TTLB ngày 30-9-1995 và Thông tư liên tịch số 03/TTLT ngày 17-1-2006. Dự kiến, đầu tháng 3-2012, Thông tư về điều chỉnh giá viện phí mới sẽ được ban hành và đến tháng 5-2012, khung giá viện phí mới sẽ chính thức được áp dụng. Vậy câu hỏi đặt ra là liệu dịch vụ y tế tăng giá thì mức đóng BHYT có tăng thêm hay không?
Tham gia BHYT, người bệnh mong muốn được hưởng dịch vụ y tế tốt hơn.
Với những băn khoăn tương tự, ông Trần Văn Mạnh, ở xã Tân Hải (Ninh Hải) bày tỏ: “Tăng mức đóng BHYT theo tiền lương cơ bản đối với nông dân như tôi thì sẽ gây áp lực thêm một khoản kinh phí khi mua thẻ BHYT cho các thành viên trong gia đình. Hiện tại có thông tin tăng viện phí thì không biết tiền mua BHYT có tăng thêm nữa hay không?”
Ông Trần Thanh Phong, Trưởng Phòng Giám định BHYT- Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh cho biết: “Trong giai đoạn ngắn hạn, bảo hiểm sẽ tự cân đối nguồn thu và kinh phí dự phòng, giữ nguyên mức đóng BHYT là 4,5% mức lương tối thiểu chứ không tăng theo giá dịch vụ y tế. Đến lúc không đủ kinh phí BHXH mới phải đề nghị tăng mức đóng lên 5%. Quỹ BHYT là quỹ ngắn hạn. Mức thu, chi phụ thuộc vào tần suất khám, chữa bệnh BHYT. Do đó, BHXH sẽ có phương án để cân đối quỹ BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT khi sử dụng dịch vụ y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh”.
Như vậy, nếu việc tăng giá viện phí sẽ kéo theo mức chi trả của BHXH cho bệnh nhân khám, chữa bệnh BHYT sẽ tăng lên. Theo đó, với chi phí bỏ ra nhiều hơn, người bệnh sẽ được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng hơn. Theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh viện phí lần này không làm ảnh hưởng đến việc chi trả tiền thuốc và vật tư thay thế trong gói chi phí mà người bệnh và cơ quan BHYT phải chi trả. Chỉ điều chỉnh khoảng 10% số dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đang được thực hiện, trong đó có khám bệnh và giường điều trị, nên dự báo mức tăng không nhiều so với tổng số tiền viện phí hiện nay. Vì vậy, việc điều chỉnh lần này không làm ảnh hưởng đến các đối tượng tham gia BHYT, bao gồm người làm công ăn lương, đối tượng hưu trí, người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội, người thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi. Vì chi phí khám, chữa bệnh của đối tượng này về cơ bản được BHYT chi trả, kể cả một số dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn.
Đối với người thuộc hộ cận nghèo và nông dân, theo lộ trình thực hiện Luật BHYT, từ 1-1-2012 hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT để đạt mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2014. Bộ Y tế cho rằng, nếu tham gia BHYT, về cơ bản các đối tượng này không bị ảnh hưởng nhiều.
Như vậy, viện phí tăng không phải là nỗi lo của những người tham gia BHYT, mà là của gần một nửa dân số còn lại của tỉnh ta. Bởi theo báo cáo của BHXH tỉnh, trong năm 2011, toàn tỉnh có 297.200 người tham gia BHYT (chỉ chiếm khoảng 51% số dân cả tỉnh). Thực tế cho thấy, khi giá dịch vụ y tế tăng thì chi phí cho một lần khám, chữa bệnh, nhất là đối với ca bệnh sẽ là “gánh nặng” về kinh tế cho người bệnh. Bác sỹ Phan Thị Lai, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng: “Người tham gia BHYT có cơ sở để yên tâm khi mà các khoản chi trả có cơ quan bảo hiểm thanh toán hoàn toàn hoặc hỗ trợ một phần. Tuy nhiên, gánh nặng viện phí sẽ dồn về phía bệnh nhân không tham gia BHYT. Để BHYT toàn dân đến năm 2014 đảm bảo đúng lộ trình, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT để được chăm sóc sức khỏe tốt hơn”.
Diễm My