Mất 8000 tỷ đồng sau khai thác hải sản mỗi năm
Theo Bộ NN&PTNT, trong những năm qua, ngành Thủy sản đã có sự phát triển nhanh và duy trì mức tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, khai thác và nuôi trồng thủy sản ngày càng phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, hướng tới xuất khẩu, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng chung của đất nước.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, cho đến nay, thủy sản đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Năm 2009, sản lượng đã đạt trên 4,8 triệu tấn (gấp hơn 6 lần năm 1986), nuôi trồng tăng mạnh, đạt trên 2,5 triệu tấn (gấp hơn 20 lần năm 1986, tăng bình quân 14%/năm trong 24 năm qua).
Các mặt hàng thủy sản Việt Nam đã có mặt ở 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu năm 2009 đạt trên 4,2 tỷ USD (gấp 40 lần so năm 1986, tăng bình quân 17%/năm). Đặc biệt, trong năm 2011 tổng sản lượng khai thác hải sản đạt trên 2 triệu tấn, trong đó hơn 40% sản lượng từ khai thác xa bờ. Kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt mức kỷ lục gần 6,1 tỷ USD. Thủy sản đã và đang trở thành ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 6 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế tự nhiên, các nguồn lực chưa được khai thác và sử dụng có hiệu quả, tổn thất sau thu hoạch trong khai thác thủy sản còn rất lớn. Theo báo cáo, ước tính tổn thất sau khai thác thủy hải sản ở nước ta hàng năm ước tính 20 - 30% so với tổng sản lượng khai thác, mỗi năm cả nước mất khoảng trên dưới 400 ngàn tấn hải sản, tương đương với khoảng gần 8 ngàn tỷ đồng/năm.
Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do phần lớn tàu cá kích thước nhỏ, đóng theo mẫu dân gian nên thường không có các điều kiện tốt để bảo quản sản phẩm sau khai thác. Bên cạnh đó, việc bảo quản sản phẩm đánh bắt vẫn chủ yếu sử dụng nước đá lạnh, nhiệt độ thường dao động từ 0oC – 5oC, thời gian bảo quản cho phép không quá 10 ngày. Vì vậy, sản phẩm khai thác khi về đến bờ thường bị giảm chất lượng, số lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn chế biến xuất khẩu không cao, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất của chuyến đi biển.
Ngoài ra, hiện nay chỉ có các tàu có công suất lớn đã bố trí các hầm chứa sản phẩm có cách nhiệt, thực hiện phân loại bảo quản với các sản phẩm phục vụ ăn tươi và làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Còn lại hầu hết các tàu cá nhỏ thường thiếu mặt bằng để phân loại sản phẩm. Nhiều tàu không thiết kế hầm bảo quản sản phẩm. Do vậy, các tàu rất khó khăn cho việc bảo quản, sơ chế sau khai thác nên đã làm giảm chất lượng sản phẩm sau thu hoạch.
Giải pháp giảm tổn thất sau khai thác thủy sản
Việc triển khai các giải pháp giảm tổn thất sau khai thác thủy sản là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Với mục tiêu đến năm 2020 tổn thất sau thu hoạch trong khai thác thủy sản giảm từ trên 20% như hiện nay xuống dưới 10%, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Tổng cục Thủy sản và các địa phương trong năm 2012 cần tập trung vào các nhóm giải pháp giảm tổn thất sau thu hoạch trong khai thác thủy sản.
Theo đó, cần tập trung kinh phí khuyến ngư, khuyến công để triển khai các mô hình, máy móc thiết bị bảo quản sản phẩm giảm tổn thất sau thu hoạch trong khai thác. Đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp để xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo quản, sơ chế sản phẩm thủy sản trên các tàu cá.
Cùng với đó, tổ chức lại sản xuất trên biển. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng, hữu hiệu góp phần giảm tổn thất sau khai thác thủy hải sản của ngư dân. Ngoài ra, cần tiếp tục đầu tư, nhân rộng các mô hình “tổ đoàn kết trên biển” ngày càng phát triển về số lượng và hoạt động có hiệu quả; khuyến khích các địa phương chuyển từ khai thác tàu công suất nhỏ hoạt động gần bờ sang khai thác bằng tàu công suất lớn hoạt động xa bờ và viễn dương; tăng cường hướng dẫn ngư dân quy trình công nghệ, kỹ thuật bảo quản, cách thức vận hành máy móc thiết bị bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch trong khai thác thủy sản…
Tại Hội nghị “bàn giải pháp giảm tổn thất sau thu hoạch trong khai thác thủy sản” do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đã nhận định: Năm 2012 là năm toàn ngành phải thể hiện quyết tâm cao để thúc đẩy phát triển thủy sản đạt các mục tiêu đề ra, góp phần ổn định tăng trưởng về kinh tế - xã hội của đất nước. Theo đó, để đẩy mạnh việc giảm tổn thất thu hoạch trong khai thác thủy sản, trong thời gian tới cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin truyền thông các chính sách của Chính phủ liên quan đến bảo quản sau thu hoạch. Các địa phương cần rà soát các máy móc, thiết bị tại địa phương để kịp thời giới thiệu các tổ chức, cá nhân được hưởng chính sách. Các chương trình khuyến ngư cần hướng đến các phương pháp, quy trình công nghệ liên quan đến biện pháp giảm tổn thất sau thu hoạch…
Cùng với đó, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng cho rằng, các địa phương cần kiên quyết loại bỏ các kỹ thuật và thiết bị lạc hậu trong bảo quản sản phẩm, ứng dụng các công nghệ bảo quản tiên tiến, hiệu quả hơn. Đồng thời, tăng cường giới thiệu các mô hình, thiết bị bảo quản sản phẩm tiên tiến thông qua các hội nghị, hội thảo, phổ biến cho ngư dân để họ tiếp cận, chuyển giao công nghệ áp dụng trong sản xuất khai thác thủy sản; cần xây dựng cơ chế, chính sách và xây dựng đề án tổ chức lại sản xuất cả trên biển và trên bờ...
Năm 2012 được ngành thủy sản chọn là năm 'Đột phá về chất lượng” nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nuôi trồng và khai thác thủy sản, tiến tới phát triển bền vững. Mong rằng với những nỗ lực không ngừng của cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế, trong năm 2012, những tổn thất trong khai thác thủy sản sẽ giảm đáng kể, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho ngư dân.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam