Nghiên cứu "Giữ nhịp tăng trưởng bền vững tại Việt Nam: Thách thức về năng suất" do McKinsey & Company thực hiện và công bố ngày 14/2 nhận định, trong 25 năm qua, Việt Nam đã trở thành một câu chuyện thành công rực rỡ và nổi bật tại châu Á, với tốc độ tăng trưởng GDP luôn đạt mức 5,3% trở lên từ năm 1986 đến nay, và chỉ đứng sau Trung Quốc (7,7%).
Theo ông Marco Breu, Tổng giám đốc McKinsey & Company Vietnam, xét một cách tổng thể, tăng trưởng của Việt Nam là tương đối cân bằng. Đó là nhờ 3 yếu tố: gia tăng lực lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu ngành và nâng cao năng suất nội ngành, với tỷ trọng đóng góp tương đối ngang nhau; năng suất được nâng cao đáng kể ở một loạt lĩnh vực, gồm chế tạo - chế biến, bán lẻ, vận tải, kho bãi và viễn thông; Việt Nam ngày càng có thế mạnh trong việc xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống trong vòng 5 năm lại đây.
Trong một giả định về tốc độ tăng trưởng năng suất trung bình giai đoạn 2005-2010 trong mỗi ngành không có sự thay đổi từ nay đến đến năm 2020 (nông nghiệp 3%, công nghiệp 0,5% và dịch vụ 3,4%), lực lượng tham gia lao động không đổi, độ tuổi lao động với nam giới 15-60 và nữ giới 15-55, thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ chỉ ở mức 4,6%/năm.
Cụ thể, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP giai đoạn 2010-2020 là 7% thì tăng trưởng GDP kỳ vọng từ sự gia tăng đầu vào lao động chiếm 0,6%, tăng trưởng GDP cần đạt được nhờ gia tăng năng suất lao động chiếm 6,4%.
Để nâng cao năng suất lao động dựa trên nguồn tài nguyên hạn chế, cùng với hiện đại hóa công nghệ, cần coi trọng phát triển nhân lực và phát huy chất xám.
Singapore, nước công nghiệp mới (NIC), là một điển hình, họ đã xây dựng “Kế hoạch nhân lực thế kỷ XXI” trong đó nhấn mạnh mục tiêu biến nước này trở thành trung tâm “chất xám” đứng đầu thế giới về cả đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nhân tài và phát triển công nghệ mới. Nhờ có sự đầu tư đúng đắn vào việc phát triển nguồn lực con người, tỉ trọng đóng góp của TFP (năng suất nhân tố tổng hợp) vào tăng trưởng của nước này chiếm tới 3% tăng trưởng GDP.
Theo GS. John FitzGerald (Viện nghiên cứu Kinh tế - xã hội Ireland), yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) rất quan trọng tới nền kinh tế, theo đó, một nền kinh tế nếu biết cách khai thác nhiều năng lực mỗi lao động thông qua công nghệ, phương tiện sản xuất tốt hơn sẽ dẫn đến sản lượng và thu nhập cao hơn mà không cần phải tăng thêm vốn đầu tư. Thực tiễn cho thấy, lượng vốn có thể đầu tư mà không phải vay mượn thường có hạn và việc vay mượn vốn nhiều khi có hại cho nền kinh tế.
Các Văn kiện Đại hội XI của Đảng cũng đã đề cập đến vấn đề năng suất khi đặt ra mục tiêu đưa tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế GDP của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) năm 2015 lên 31- 32%, năm 2020 lên 35%, cao hơn nhiều so với tỷ trọng 25- 27% hiện nay, tức là giảm tỷ trọng đóng góp của hai yếu tố là tăng số lượng vốn đầu tư và tăng số lượng lao động từ 73- 75% hiện nay xuống còn 68- 69% vào năm 2015 và còn 65% vào năm 2020.
TFP bao gồm hiệu quả đầu tư, năng suất lao động, trên cơ sở khoa học- công nghệ. ICOR hiện ở mức 6,1 lần trong thời kỳ 2006- 2009 sẽ được giảm xuống còn khoảng 5 lần trong thời kỳ 2011- 2015 và 2011 - 2020- tức là nâng cao được hiệu quả đầu tư.
Năng suất lao động năm 2010 ước đạt khoảng 2.202 USD/người - mục tiêu đến năm 2015 sẽ cao gấp rưỡi, tức là đạt khoảng 3030 USD/người. Về khoa học- công nghệ, ngay ngành công nghiệp chế biến mà tỷ trọng các doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến hiện nay cũng mới chiếm khoảng 20%, thấp xa so với tỷ lệ 36 - 40% của một số nước trong khu vực.
Chính vì vậy, các Văn kiện Đại hội XI đã đề ra mục tiêu đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao đến năm 2015 lên 35%, đến năm 2020 lên 45%. Sản phẩm công nghệ cao là sản phẩm có hàm lượng công nghệ chiếm tỷ trọng lớn trọng toàn bộ giá trị sản phẩm, là kết tinh của trí tuệ và đòi hỏi người sản xuất cũng phải có trình độ kỹ thuật - công nghệ mới sử dụng và tạo ra được.
Để đạt được những mục tiêu này, khoa học - công nghệ cần được coi là động lực, giáo dục- đào tạo là chìa khoá.
Do đó, một cuộc cách mạng năng suất là điều cần thiết để giữ nhịp tăng tưởng kinh tế hiện tại. Tức để tiếp tục duy trì thành tích tăng trưởng trong giai đoạn vừa qua, tốc độ gia tăng năng suất cần cao hơn nữa.
Nguồn www.chinhphu.vn