Giá dầu "leo thang"
Giá dầu thô trên thị trường New York những ngày gần đây đã đứng ở mức cao nhất trong vòng 9 tháng qua. Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/2, giá dầu thô Brent Biển Bắc giao tháng 4/2012 tại thị trường London (Anh) tăng lên 123,07 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ giao cùng tháng tại thị trường New York (Mỹ) cũng tăng lên 106,28 USD/thùng.
Giá dầu thô tăng mạnh trong thời gian qua chủ yếu là do:
Thứ nhất, căng thẳng chính trị tại Trung Đông. Ngày 19/2, Bộ Dầu mỏ Iran đã thông báo ngừng bán dầu cho Anh và Pháp nhằm trả đũa lại các trừng phạt Iran của Liên minh châu Âu. Ngày 20/2, Iran lại đe dọa sẽ chấm dứt cung cấp dầu cho các quốc gia châu Âu khác. Iran là nước sản xuất dầu lớn thứ hai của tổ chức OPEC (mỗi ngày sản xuất 3,5 triệu thùng dầu, trong đó xuất khẩu 2,5 triệu thùng). Căng thẳng tại đây leo thang làm giới đầu tư thêm lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung. Giới phân tích cảnh báo, nếu Iran đóng cửa eo biển Hormuz thì giá dầu có thể lên 150 USD/thùng.
Thứ hai, tình hình kinh tế khả quan khiến kỳ vọng tiêu dùng dầu tăng lên ở Mỹ, châu Á.
Thứ ba, quyết định nới lỏng tiền tệ của Trung Quốc – nước tiêu thụ dầu mỏ nhiều thứ hai thế giới sau Mỹ và kỳ vọng Hy Lạp đạt được gói cứu trợ cũng hỗ trợ giá dầu.
Thứ tư, thời tiết khắc nghiệt ở các nước châu Âu thời gian này cũng là một yếu tố góp phần đẩy giá dầu tăng lên khi nhu cầu sưởi ấm trong mùa đông tăng cao.
Sự "leo thang" của giá dầu thời gian qua nếu được "tiếp sức" sẽ là một bất lợi lớn cho kinh tế toàn cầu. Sự phục hồi kinh tế trong giai đoạn 2009 - 2010 đi liền với mức giá dầu chỉ ở mức khoảng 70 USD/thùng, không phải trên 100 USD/thùng như chúng ta đã và có thể sẽ phải chứng kiến trong thời gian tới (Giá dầu thô Brent tăng 13,3% trong năm 2011, lên trung bình 111 USD/thùng, phá vỡ kỷ lục trước đây là trung bình gần 100 USD/thùng đạt được năm 2008, và đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp giá tăng; Giá dầu thô tại Mỹ năm 2011 tăng 8,2% so với cuối 2010, vượt mức tăng của hầu hết các hàng hoá nguyên liệu trong rổ 19 hàng hoá tính chỉ số giá Thomson Reuters-Jefferies CRB. Giá dầu thô Mỹ trung bình năm qua là 95 USD/thùng).
Những tác động
Theo báo cáo vừa phát đi ngày 23/2, Goldman Sachs cũng đã nâng dự báo giá dầu Brent trong năm 2012, với mức 127,5 USD/thùng so với mức dự báo 121 USD/thùng 1 tháng trước đó. Giới chuyên gia lo ngại, nếu giá dầu giữ ở mức cao trong năm nay, tiến trình phục hồi mong manh của kinh tế toàn cầu sẽ bị cản trở bởi trong 40 năm qua, mỗi cơn sốc dầu trong đều đẩy kinh tế thế giới vào khủng hoảng. Nariman Behravesh, nhà kinh tế cấp cao tại IHS Global Insight cho biết, cứ mỗi 10 USD một thùng dầu tăng lên thì tăng trưởng kinh tế sẽ giảm 0,002% sau một năm và 1% sau hơn 2 năm.
Việc giá dầu tăng cao trong thời gian dài là lo ngại thực sự của các quốc gia phát triển. Theo các nhà phân tích của Cơ quan năng lượng quốc tế, lượng dầu mỏ nhập khẩu của 34 quốc gia giàu nhất thế giới thuộc OECD chiếm khoảng 65% lượng nhập khẩu của toàn cầu, lên đến 790 tỷ USD cuối năm 2010, tương đương 0,5% GDP của các quốc gia này.
Theo đánh giá của giới phân tích kinh tế, giá dầu leo thang, đặc biệt là sau những bất ổn chính trị tại Trung Đông không những được coi là một khó khăn đối với phương Tây, đặc biệt Mỹ, mà còn là “cơn ác mộng” đe dọa sự lệ thuộc nguồn dầu lửa ở Vùng Vịnh của các quốc gia đang phát triển.
Châu Á đang trở thành động lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới. Nhu cầu và sự lệ thuộc ngày càng tăng nguồn dầu lửa nhập khẩu từ Trung Đông của khu vực này đã ảnh hưởng đến hàng triệu người nghèo ở châu Á và sẽ có thêm nhiều người rơi vào tình trạng nghèo khó vì giá thực phẩm tăng cao hơn trong năm tới.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, đợt tăng giá dầu mỏ trên thị trường thế giới do các sự kiện ở Cận Đông gây ra sẽ không tác động tiêu cực đến quá trình khôi phục nền kinh tế thế giới ở giai đoạn hậu khủng hoảng và thế giới có thể giải quyết bất kỳ sự giảm sút nguồn cung dầu lửa nào khi OPEC có công suất dự trữ rất lớn, các nước công nghiệp phát triển cũng có 1,6 tỷ thùng dầu trong kho dự trữ. Tuy nhiên, một điều kiện quan trọng là xu thế tăng giá “vàng đen” phải là ngắn hạn bởi kinh tế thế giới đang phục hồi sẽ khiến cho nhu cầu dầu lửa tăng khoảng 2% trong năm. Tác động của bất kỳ cú sốc dầu mỏ nào cần được tính toán không bởi mức tăng của giá dầu trong ngắn hạn mà bởi thời gian tăng giá. Việc tăng giá dầu mỏ lên mức 110-120 USD/thùng sẽ dẫn đến tình trạng “quá tải” không chỉ của Mỹ, EU mà Nhật Bản, Trung Quốc…cũng sẽ bị ảnh hưởng mạnh.
Giá dầu 100 USD một lần nữa làm nhen nhóm lên những câu hỏi về việc kết thúc thời đại của dầu, chuyển sang các nguồn năng lượng thay thế. Tuy nhiên, thế giới chắc chắn sẽ còn phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hoá thạch, dẫn đầu là dầu mỏ trong một thời gian dài nữa. Nguyên nhân chính là các nguồn năng lượng sạch thay thế chưa phát triển kịp và giá còn quá cao để có thể thay thế các loại nhiên liệu truyền thống. Điều này có nghĩa là trong khi thế giới chờ nguồn năng lượng mới nhất thì giá dầu tăng cao sẽ là thảm họa đối với bất cứ người tiêu dùng nào và ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế thế giới.
Nguồn Tạp chí Tài chính Online