Dưới đây là những câu hỏi mà người mua TV đưa ra nhiều nhất do trang Cnet Asia tổng kết.
1. LCD, LED và Plasma cái nào tốt hơn?
Plasma, LCD hay LED mỗi công nghệ đều có một lợi thế riêng. LCD và LED là loại màn hình thông dụng ngày nay, có thiết kế gọn gàng và đẹp hơn. Trong khi đó Plasma lại có khả năng thể hiện tốt hơn LCD về độ sâu đen hay độ tương phản thực. Tùy theo từng mức giá và yêu cầu của người dùng mà Plasma, LCD hay LED có thể được đánh giá cao hơn.
Ví dụ như với kích thước 42 inch, Plasma có giá tốt hơn LCD nhưng bù lại, độ phân giải thực của màn hình lại chỉ là 1.024 x 768 và thấp hơn mức 1.366 x 768 của LCD.
2. Lựa chọn TV theo tiêu chí nào là tốt nhất?
"Tốt nhất" là một khái niệm khá chủ quan khi nó phụ theo đánh giá của từng nhu cầu, từng người như về chất lượng hình ảnh, giá tiền hay kiểu dáng. Với những khách hàng có túi tiền rủng rỉnh, các model tầm trung đến cao cấp hỗ trợ khả năng xử lý hình ảnh và có nhiều tính năng nghe nhìn là lựa chọn tốt nhất. Còn với những người dùng có hầu bao e hẹp, họ nên ưu tiên về giá và chất lượng và bớt quan tâm đến kiểu dáng của sản phẩm.
3. Kích thước nào để TV phù hợp với phòng?
Kích thước màn hình phụ thuộc vào khoảng cách từ TV cho tới vị trí ngồi xem chứ không phải là diện tích của phòng. Để lựa chọn hợp lý, người mua nên ưu tiên công thức kích thước màn hình nhỏ bằng một nửa cự ly ngồi xem. Nếu như ngồi quá gần màn hình hay màn hình quá lớn, người xem sẽ dễ thấy rõ các điểm ảnh trên màn hình, khiến hình ảnh trở nên thiếu sắc nét. Bên cạnh đó thì với các hình ảnh chuyển động nhanh, ngồi xem gần có thể tạo cảm giác mệt mỏi và đau đầu.
4. Cháy hình ở Plasma là như thế nào và hạn chế ra sao?
Người mua TV thường quan tâm đến một vấn đề mà TV Plasma thường gặp phải là hiện tượng cháy hình, nghĩa là trên màn hình xuất hiện những hình ảnh cũ bị lưu lại từ các khung hình trước. Hiện tượng này gặp phải khi người dùng bật TV Plasma ở một hình ảnh tĩnh trong thời gian dài. Các hình ảnh bị lưu thường là các hình ảnh cố định như logo, bảng tỷ số của chương trình thể thao....
Để hạn chế điều này người dùng chú ý không nên bật quá lâu các hình ảnh tĩnh trên TV Plasma. Giảm độ sáng màn hình cũng là một cách để tránh sự cháy hình. Với một số dòng TV Plasma hiện đại ngày nay, hiện tượng cháy hình đã được xử lý bằng tính năng tích hợp.
5. Các chuẩn HDMI có ý nghĩa gì?
Cả hai chuẩn HDMI thông dụng hiện nay, 1.3 và 1.4 đều hỗ trợ video ở định dạng Full HD 1.080p. Tuy nhiên HDMI 1.4 mới hơn và là tiêu chuẩn dành cho việc phát các nội dung 3D, hỗ trợ tính năng ARC (Audio Return Channel) cũng như có thể truyền tải thêm kết nối mạng Internet. Tuy nhiên, điều đáng buồn là hiện tại, các thiết bị sử dụng HDMI 1.4 có hỗ trợ truyền tải Internet lại rất hạn chế ở thời điểm hiện tại.
6. Màn hình Full HD và HD khác nhau như thế nào?
Full HD cho độ phân giải 1.920 x 1.080 pixel trong khi HD nằm ở mức 1.280 x 720 hoặc cao hơn chút ít. Độ phân giải cao hơn mang lại hình ảnh tốt hơn, ít răng cưa hơn và đây cũng là một trong những yếu tố quyết định tới chất lượng hình ảnh tổng thể của HDTV. Độ phân giải Full HD cũng giúp cho việc thể hiện các bộ phim Blu-ray, các trò chơi HD ấn tượng nhất.
Tuy nhiên, người mua TV cũng cần lưu ý, với khoảng cách xem cách xa màn hình từ 3 mét trở lên, với kích thước từ 46 inch trở xuống, độ phân giải Full HD và HD khó có thể phân biệt được bằng mắt thường.
7. TV có tính năng quét 1.200Hz liệu có gấp 12 lần với model 100Hz?
Thực tế, công nghệ màn hình mới nhất hiện nay mới chỉ hỗ trợ tần số làm tươi tối đa 200Hz. Để đạt được thống số cao như trên thì các nhà sản xuất đã phải áp dụng việc quét đèn nền với bộ xử lý hình ảnh để tạo ra hiệu ứng làm tươi cao hơn. Ví dụ, tính năng quét hình 400Hz thực chất là sự kết hợp giữa khả năng quét hình thực 200Hz và quét đèn nền. Bởi vậy sự khác biệt giữa các tần số quét hình cao trên 400Hz với 100 hay 200Hz là không lớn. Thông số quét 100Hz là đủ với nhiều người hiện nay.
8. Có nên mua HDTV "ngoại"?
Tâm lý sính ngoại được nhiều người ưa thích đặc biệt với sản phẩm công nghệ. Việc mua TV "xách tay" từ nước ngoài cũng là vấn đề mà nhiều người tâm. Tuy nhiên, không giống như các sản phẩm công nghệ có kích thước nhỏ, mua TV từ nước ngoài là điều không nên. Thứ nhất, người mua sẽ không có được các sự hỗ trợ như bảo hành, dịch vụ hậu mâĩ và chịu phí vận chuyển khá lớn do hàng hóa cồng kềnh. Ngoài ra, ở mỗi thị trường mà TV có thể sử dụng nguồn điện khác nhau, hệ thống thu truyền hình với băng tần khác với nơi mà người dùng đang sinh sống.
9. TV 3D chủ động có tốt hơn 3D thụ động?
Cả hai đều có những ưu điểm và yếu điểm. TV 3D chủ động giúp mang lại cho người xem những hình ảnh có độ phân giải Full HD tới mỗi mắt trong khi 3D thụ động độ phân giải tới mỗi mắt chỉ đạt một nửa. Tuy nhiên, ở một khoảng cách xem thông thường thì sự khác biệt của độ phân giải là không nhiều. Chỉ với những người xem quá gần thì hiện tượng răng cưa của hình ảnh mới để lộ ra trên 3D thụ động.
Kính chuyên dụng ở 3D thụ động lại có nhiều lợi thế hơn 3D chủ động khi không có hiện tượng nhiễu hình, trọng lượng nhẹ, giá rẻ hơn mà lại không sử dụng pin đi kèm.
10. Làm thế nào để tự thiết lập thông số hình ảnh trên TV?
Để có thể tự thiết lập hình ảnh như màu sắc hay độ sáng trên TV người dùng có thể sử dụng các DVD hướng dẫn khá nhanh và đơn giản. Các đĩa này được bán trên Amazon với mức giá khoảng gần 40 USD. Để nâng cao và có sự hiệu chỉnh chính xác hơn, người dùng có thể sử dụng các công cụ như DataColor SpyderTV. Với người mới bắt đầu, việc chuyển đổi giữa các chế độ Standard và Movie, sau đó tinh chỉnh dần từng thông số là một việc làm hữu hiệu.
Nguồn QuanTriMang.com.vn