Tình trạng này tập trung chủ yếu trên các trang web rao bán không chuyên, hay trên các diễn đàn, tạo tâm lý lo ngại cho nhiều người khi tiếp cận với mua sắm trên mạng. Có rất nhiều người tham gia mua hàng trên mạng nhưng giữa họ cùng có chung một cảm xúc: Thất vọng sau khi mua hàng trên mạng.
Ảnh minh họa
Có nhu cầu mua đôi giày mới cho dịp Tết, anh Nguyễn Văn Bình đã quyết định đặt mua trên mạng. Nơi tìm kiếm của anh là các trang web chuyên đăng các tin rao vặt do nhiều người bán gửi lên. Tuy nhiên, sản phẩm khi anh lựa chọn trên mạng với sản phẩm lúc anh nhận được hoàn toàn khác nhau. Đôi giày anh Bình đặt mua không những chất liệu và màu sắc rất khác so với hình ảnh quảng cáo. Tuy nhiên, anh Bình cũng đành phải chấp nhận.
"Hàng đặt mua đã nhận về rồi, tiền đã đưa cho người ta rồi, tôi chỉ có thể đưa ý kiến của mình thôi chứ cũng không thể đổi lại được", anh Bình cho biết thêm.
Những trường hợp giống như trên không phải là hiếm gặp trong cộng đồng mua sắm qua mạng. Chủ yếu rơi vào những người mua hàng trên 1 loại hình trang web, được gọi nôm na là "sàn" hay "chợ" điện tử. Điều hấp dẫn ở những cái chợ này chính là mức giá cạnh tranh và người mua có thể tiếp xúc cùng lúc với nhiều người bán.
Không chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, giao dịch hay độ tin cậy của người bán. Đó là quy định được ghi trên hầu hết những trang web loại hình này. Mặc dù vậy, nhiều người mua thiếu kinh nghiệm vẫn cứ đinh ninh: Mình mua ở đâu thì được đảm bảo ở đó.
Và đáng tiếc hơn, như trường hợp của anh Cường, đã thanh toán trước tiền mua áo vào tài khoản của người bán. Nhưng cứ chờ hàng tháng trời mà vẫn chưa thấy chiếc áo nào được gửi về.
Anh Cường cho biết: "Bên đó bảo là hàng bây giờ chưa có, đợi 1 tuần nữa và tôi cũng tiếp tục đợi. Đến 1 tháng sau, tôi gọi lại thì họ trả lời với tôi là hiện nay hàng chưa về. Tôi hỏi lý do tại sao thì bảo là có nhiều lý do nên hàng về chậm. Khi tôi nói muốn lấy tiền lại, bên đó không đồng ý. Những lần sau tôi gọi thì tắt máy".
Trong số hàng trăm trang mạng mua bán, loại hình "chợ điện tử" này, đa số vẫn là những người bán nghiêm túc, mong muốn tìm được khách hàng một cách dễ dàng hơn. Trước những kiểu bán hàng chộp giật, thiếu trung thực, họ cũng vô tình trở thành nạn nhân…
Chị Minh Phương, người bán hàng trên mạng nói: "Điều này chắc chắn là sẽ ảnh hưởng tới những người bán hàng khác. Nếu như những người bán không trung thực bán cùng nhóm ngành hàng với mình, chắc chắn là khi người mua hàng đã gặp trường hợp như trên, khi họ đến cửa hàng mình, người ta cũng sẽ đầy lăn tăn như thế".
Bà Lại Việt Anh, Trưởng phòng Pháp chế, Cục Thương mại điện tử, Bộ Công Thương cho rằng: "Cũng như ngoài đời, chữ tín là quan trọng. Vậy khi bạn tham gia môi trường có tính mở rất cao, để đáp ứng được yêu cầu của thị trường, trước tiên bạn cần tuân theo quy luật của nó. Vậy để giữ chữ tín, thông tin đưa lên phải minh bạch và trung thực".
Chữ tín, đó là lời khuyên dành cho những người bán. Còn đối với những người mua, cũng nên cảnh giác khi tham gia mua bán tại những "chợ điện tử" để không phải mất tiền oan hay lãng phí những sản phẩm đã mua về cũng như đừng quay lưng lại với chiếc máy tính của mình.
Nguồn VTV.VN