3 trường hợp được thuê bổ sung diện tích làm việc
Cụ thể, Bộ Tài chính quy định về thuê bổ sung diện tích làm việc. Theo đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị đang đi thuê trụ sở làm việc được thuê bổ sung diện tích làm việc khi diện tích làm việc hiện có còn thiếu so với tiêu chuẩn, định mức trong 3 trường hợp: 1. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức tăng lên theo quyết định của cấp có thẩm quyền so với biên chế được giao tại thời điểm đi thuê trụ sở làm việc lần thuê gần nhất. Cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tiến hành sắp xếp, bố trí lại nhưng không đủ diện tích làm việc cho số lượng cán bộ, công chức, viên chức tăng thêm; 2. Được giao thêm nhiệm vụ so với nhiệm vụ được giao tại thời điểm thuê trụ sở lần thuê gần nhất, dẫn đến yêu cầu phải tăng thêm diện tích làm việc. Cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tiến hành sắp xếp, bố trí lại nhưng không đủ diện tích làm việc, nếu không được thuê bổ sung sẽ làm ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ được giao; 3. Quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc tăng lên dẫn đến diện tích hiện đang thuê thiếu so với tiêu chuẩn, định mức, nếu không được thuê bổ sung sẽ làm ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Địa điểm thuê bổ sung diện tích làm việc cần được xem xét, cân nhắc đảm bảo các điều kiện làm việc và tiết kiệm chi phí quản lý, vận hành.
Điều chuyển, bán, thanh lý tài sản nhà nước
Khi có tài sản nhà nước cần điều chuyển, bán, thanh lý thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản lập 1 bộ hồ sơ đề nghị điều chuyển, bán, thanh lý tài sản theo quy định, trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng bổ sung quy định về chi phí liên quan đến việc thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý tài sản nhà nước.
Trong đó, các chi phí liên quan đến việc thu hồi tài sản nhà nước, gồm: Chi phí bảo quản tài sản (chi phí thuê kho, bãi để bảo quản tài sản, chi cho công tác bảo vệ và duy trì hoạt động của tài sản); Chi phí liên quan đến việc bán tài sản nhà nước theo quy định; Chi phí liên quan trực tiếp đến việc bàn giao, tiếp nhận tài sản...
Các chi phí liên quan đến việc điều chuyển tài sản nhà nước gồm: Chi phí bảo quản tài sản; Chi phí phát sinh trong quá trình bàn giao, tiếp nhận tài sản...
Mức chi đối với các khoản chi phí quy định trên thực hiện theo tiêu chuẩn, định mức và chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; trường hợp chưa có tiêu chuẩn, định mức và chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì người đứng đầu cơ quan xử lý tài sản quyết định mức chi, đảm bảo phù hợp với chế độ quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Các quy định này sẽ được áp dụng từ ngày 15/3/2012.
(Theo Chinhphu.vn)