Kinh tế tập thể nông nghiệp, khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế nông thôn

Thực hiện Quyết định số 272/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3983/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch Phát triển kinh tế tập thể ngành Nông nghiệp, trong 5 năm (2006 – 2010), Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có nhiều cách làm linh hoạt để khuyến khích các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh chủ động liên doanh, liên kết thành các hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT) để mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả.

(NTO) Từ các chính sách ưu tiên hỗ trợ của tỉnh, của ngành, các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh đã biết tận dụng thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tín dụng, tiểu thủ công nghiệp...

Mô hình trồng rau sạch của nông dân phường Văn Hải, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm
mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn Miên

Điểm nổi bật trong quá trình phát triển của các mô hình kinh tế tập thể nông nghiệp, đó là có sự thống nhất từ khâu tổ chức, đến tìm nguồn giống và đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, thực hiện chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ, các HTX và THT nông nghiệp còn được tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới cho xã viên, xây dựng và triển khai các mô hình khuyến nông, khuyến ngư, các mô hình trình diễn về giống mới, quy trình thâm canh, bảo vệ thực vật...để nông dân có điều kiện tham quan học tập và trao đổi kinh nghiệm. Thông qua các đợt tuyên truyền, tập huấn giúp cho nông dân hiểu rõ hơn vai trò, vị trí, đặc trưng của HTX kiểu mới, THT là tổ chức các khâu dịch vụ hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ trong sản xuất và đời sống mà từng hộ không thực hiện được hoặc thực hiện nhưng hiệu quả không cao. Từ đó giúp cho hộ nông dân ý thức, tự nguyện vận động góp vốn, công sức cùng tham gia xây dựng HTX mới.

Toàn tỉnh hiện có 790 THT; trong đó có 514 THT đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, 182 THT tín dụng và 17 THT dịch vụ nông nghiệp. Số còn lại tập trung chủ yếu vào các ngành nghề như sản xuất đũa, xây dựng, xay xát, mộc, gốm, dệt thổ cẩm... So với kế hoạch đề ra tăng 642 THT (bình quân mỗi năm tăng 128 THT).

Riêng về mô hình HTX, hiện toàn tỉnh có 42 HTX nông nghiệp, ngành nghề và 1 HTX ngư nghiệp với 15.872 xã viên. Trong đó, số thành lập mới từ năm 2006- 2010 là 12 HTX.

Đơn cử như HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hữu Đức, xã Phước Hữu (Ninh Phước), ở thời điểm năm 1997 khi mới chuyển đổi theo Luật HTX kiểu mới, cả HTX chỉ có vài chục hộ xã viên, nhưng sau 15 năm đi vào hoạt động, đến nay HTX đã từng bước hoàn thiện mô hình tổ chức và có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp, thu hút trên 1.500 hộ xã viên tham gia, với nguồn vốn điều lệ lên đến 3 tỷ đồng. Một mô hình kinh tế tập thể điển hình khác như mô hình sản xuất rau an toàn ở xã An Hải. Trước đây cứ vào mùa thu hoạch là trên 100 hộ trồng rau ở các thôn Tuấn Tú, Nam Cương rất lúng túng trong việc tiêu thụ sản phẩm. Nhưng cách đây 2 năm, được sự hỗ trợ của xã An Hải và Chi cục Bảo vệ Thực vật, bà con trồng rau đã liên kết lại với nhau thành lập 1 HTX và 1 tổ sản xuất thì việc tiêu thụ sản phẩm và năng suất, chất lượng rau sạch ở đây được nâng lên đáng kể. Không chỉ thế, các tổ sản xuất và HTX trồng rau ở An Hải còn phối hợp với Chi cục Bảo vệ Thực vật tổ chức tập huấn để các hộ trồng rau có thêm kỹ thuật trồng, cách chăm sóc, hạn chế sử dụng phân hóa học. Nhờ đó, rau xanh ở An Hải được thị trường chấp nhận và bán được giá, đời sống của bà con nhờ đó cũng được cải thiện đáng kể.

Nhờ liên kết xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn, nhiều hộ dân ở xã An Hải, huyện Ninh Phước
đã vươn lên thoát được nghèo. Trong ảnh: Anh Kiều Việt Hùng, ở thôn Tuấn Tú bên rẫy rau hành.

Với cách làm năng động trên của các HTX và THT cho thấy, mô hình kinh tế tâp thể nông nghiêp tỉnh ta trong 5 năm qua liên tục có bước phát triển. Ngoài việc giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương, hỗ trợ kinh tế nông thôn phát triển, nâng cao chất lượng cũng như sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường, còn góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Giá trị ngày công của cán bộ, xã viên và người lao động ở các HTX cũng ngày một tăng cao, bình quân thu nhập của cán bộ quản lý và xã viên ở các HTX từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng, tăng gấp 2 lần so với năm 2006; tương tự thu nhập bình quân của tổ viên ở các THT từ 800.000 - 1.000.000 đồng/tháng, tăng khoảng 400-500 ngàn đồng.

Trong định hướng phát triển kinh tế tập thể đến năm 2015, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xác định tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ để các HTX dịch vụ nông nghiệp, thủy sản và ngành nghề, nhất là các HTX mới thành lập nâng cao hiệu quả hoạt động theo hướng chất lượng . Cùng với đó, ngành tập trung mở rộng thêm các loại hình dịch vụ tín dụng nội bộ, dịch vụ tiêu thụ sản phẩm... tuyên truyền, vận động thành lập mới các THT, HTX mới theo mô hình kinh doanh đa ngành ở những địa phương đang triển khai xây dựng mô hình nông thôn mới, vùng sản xuất các loại cây công nghiệp tập trung như: nho, táo, tỏi và rau an toàn…Trên cơ sở đó, sẽ đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến ngư, bảo vệ thực vật, thú y... cho các HTX nhằm thiết lập mối quan hệ hợp tác kinh tế trên cơ sở tự nguyện, cùng có lợi thông qua hợp đồng kinh tế được ký kết giữa hộ nông dân, THT, trang trại và HTX, giữa HTX với các doanh nghiệp. Phấn đấu đưa số lượng HTX nông nghiệp, thủy sản và ngành nghề tăng bình quân hàng năm khoảng 5% (đến năm 2015 có khoảng 47 HTX). Doanh thu của một HTX tăng bình quân hằng năm 6%; thu nhập của lao động từ kinh tế tập thể tăng gấp hai lần so với năm 2011. Trước mắt, trong năm 2012, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo cho các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thành lập các HTX và THT mới ở các địa phương có nhu cầu cũng như ở những nơi đang triển khai xây dựng mô hình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời củng cố, xây dựng các HTX và THT hiện có, triển khai các chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển HTX, nhằm giúp các HTX, THT phát triển ngày càng ổn định, bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển và thực hiện thắng lợi các mực tiêu xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra.

Đồng chí Châu Thăng Long, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT:

Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 3983/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phát triển kinh tế tập thể ngành Nông nghiệp, chúng tôi nhận thấy mô hình THT và HTX trong nông nghiệp, nông thôn tỉnh ta đã thu hút được nhiều hộ nông dân, ngư dân, diêm dân tham gia. Thông qua các mô hình, bà con được giải quyết công ăn việc làm, cải thiện chất lượng cuộc sống rõ rệt. Để chương trình tiếp tục phát huy tính hiệu quả, thời gian tới cùng với việc kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, rà soát phân công nhiệm vụ giữa các sở, ngành và các địa phương, nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc quản lý, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để phát triển đa dạng các ngành nghề trong nông nghiệp, nông thôn, phù hợp nhất cho người nông dân. Thông qua việc phát triển kinh tế tập thể ngành Nông nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế các vùng nông thôn trong tỉnh đi lên, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Đồng chí Trương Văn Thành, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh:

Để kinh tế tập thể (KTTT) ngành nông nghiệp phát triển có hiệu quả, cần khuyến khích phát triển HTX với nhiều hình thức đa dạng, kinh doanh đa ngành nghề; xây dựng kế hoạch liên doanh, liên kết giữa các HTX với nhau hoặc giữa HTX với các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm mở rộng quy mô, lĩnh vực hoạt động, tăng năng lực và sức cạnh tranh trên thị trường. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các chủ trương, chính sách, các điển hình về KTTT để nâng cao nhận thức về HTX, THT trong nông nghiệp, nông thôn. Hằng năm, tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý, cán bộ HTX, tổ hợp tác để nâng cao năng lực cho bộ máy quản lý. Cần có các chính sách hỗ trợ thành lập mới HTX, THT nông nghiệp. Bên cạnh đó, các địa phương cần lựa chọn những mô hình HTX, THT nông nghiệp có tính tiêu biểu, đặc trưng của địa phương theo từng ngành hàng, từng vùng miền để chỉ đạo điểm sau đó nhân rộng trên toàn địa bàn. Đồng thời cần gắn kết việc xây dựng mô hình KTTT với các chương trình dự án đầu tư để khai thác, quản lý có hiệu quả các công trình như hệ thống thủy lợi, nước sạch...

 
Đồng chí Lê Kim Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn:

Trong giai đoạn 2006-2010, tác động trước hết của phát triển kinh tế tập thể ngành Nông nghiệp tỉnh ta là làm thay đổi tư duy và nhận thức trong xã hội. Các hình thức THT trong nông nghiệp và nông thôn đã thu hút nhiều hộ nông, ngư, diêm dân tham gia hoạt động hiệu quả. Đặc biệt các HTX nông nghiệp đã trở thành chỗ dựa cho kinh tế hộ phát triển. Tuy nhiên, trong thời gian này, kinh tế tập thể ngành nông nghiệp tỉnh nhà đã có một số vấn đề nảy sinh, cần phải được xem xét, tổng kết thực tiễn để sửa đổi, bổ sung, kiến nghị hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan về HTX.

Từ thực tiễn ấy, để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể ngành nông nghiệp trong năm 2012 và định hướng đến năm 2015, theo tôi cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thành lập các HTX, THT mới tại các địa phương có nhu cầu cũng như ở những nơi đang triển khai xây dựng mô hình nông thôn mới. Trước mắt là phải củng cố, xây dựng các HTX, THT hiện có, triển khai các chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển HTX; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với kinh tế tập thể nhằm giúp HTX, THT trong nông nghiệp và nông thôn phát triển ổn định, bền vững.
Ông Huỳnh Văn Thọ, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phú Quý, huyện Ninh Phước:

Mô hình kinh tế tập thể ở Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Phú Quý những năm gần đây đã đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo điều kiện tốt cho xã viên tiếp thu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đáp ứng ngày càng tốt hơn các dịch vụ sản xuất cho nông dân về thủy lợi, giống, vật tư nông nghiệp, bảo vệ thực vật, góp phần ổn định đầu ra cho sản xuất, tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển.

Hướng phát triển trong năm 2012 và những năm tiếp theo của Hợp tác xã là mở rộng mô hình kinh tế tập thể, phát triển sản xuất và thu mua lúa giống phục vụ xã viên và nhân dân địa phương. Tôi cho rằng, thông qua các hoạt động tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của các thành viên, xã viên cũng như sự phát triển kinh tế tập thể đã góp phần quan trọng ổn định và nâng cao đời sống người dân nông thôn. Do vậy, phát triển kinh tế tập thể cũng chính là giải pháp quan trọng để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay.