(NTO) Nói về vùng trồng mía ở huyện Ninh Sơn, người ta thường nhắc tới xã Quảng Sơn, vốn nổi tiếng có diện tích trồng tập trung lớn nhất tỉnh. Tuy nhiên, vào mùa thu hoạch năm nay, điểm mới đầu tiên dễ nhận ra là diện tích cây trồng trên đã mở rộng sang các xã lân cận.
Mùa thu hoạch mía của nông dân xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn. Ảnh: Văn Miên
Toàn huyện Ninh Sơn hiện có 2.124 ha mía (tăng khoảng 15% so với năm ngoái), trong đó ngoài xã Quảng Sơn có trên 1.600 ha và xã Hòa Sơn gần 150 ha, mía còn được trồng ở các xã, thị trấn Lâm Sơn 125 ha, Mỹ Sơn 102 ha, Lương Sơn 60 ha, Tân Sơn 50 ha và đơn vị Giáo dục lao động 40 ha. Anh Lê Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn cho biết: “Thấy năm trước cây mía đạt năng suất cao và được giá nên bà con đổ xô trồng. Nhiều người dân ở Quảng Sơn đã phá vườn trồng cây lâu năm, chủ yếu là vườn điều và khai hoang phục hóa đất rẫy bỏ trước đây để trồng mới khiến diện tích mía vụ này của địa phương tăng thêm khoảng 100 ha”. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn, diện tích mía tăng nhưng năng suất bình quân chỉ đạt 52 tấn/ha, tức giảm 20-30 tấn/ha so với năng suất bình quân vụ thu hoạch năm 2011 do việc đầu tư chăm sóc không kỹ và thời tiết diễn biến không thuận lợi. Chúng tôi được biết, vì giá phân thuốc và công lao động tăng cao nên các nông dân trồng mía phải hạn chế chăm sóc để bớt chi phí, cộng với thời tiết bất thường, dù mưa đều nhưng lượng mưa không nhiều đã ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây mía. Ông Hoàng Đức Anh, nông dân thôn Thạch Hà 1 (Quảng Sơn), đang thu hoạch hơn 1 ha mía tơ trồng ở khu vực Suối Mây xác nhận năng suất mía vụ này thấp hơn năm ngoái nhiều, sản lượng mía thu hoạch trên toàn bộ diện tích của ông chỉ vào khoảng gần 60 tấn. Ông Nguyễn Lâm, nông dân thôn Thạch Hà 2, trồng 4 ha mía cùng khu vực trên cũng trong tình trạng tương tự, qua thu hoạch trước 2 ha chỉ đạt sản lượng 90 tấn.
Thu hoạch mía ở vùng Suối Mây (Quảng Sơn, Ninh Sơn). Ảnh: N.Sơn
Bên cạnh năng suất giảm, nhiều hộ dân trồng mía ở Ninh Sơn đang lo lắng vì thời tiết khô hanh đe dọa cháy mía và mất chữ đường. Để tránh tình trạng tồn đọng như năm ngoái, Công ty CP Mía đường Phan Rang đã đẩy nhanh tiến độ vận chuyển mía theo kế hoạch và phù hợp với công suất hoạt động của nhà máy, bình quân mỗi ngày chở 1.000 tấn mía cây. Bên cạnh đó, Trạm Nguyên liệu mía Khánh Hòa đóng trên địa bàn huyện Ninh Sơn cũng đang tích cực thu mua mía của 69 hộ nông dân mà Trạm đã hợp đồng và đầu tư. Dù chủ động như vậy, song vẫn không tránh khỏi áp lực của vụ thu hoạch mía đồng loạt. Để việc phát lệnh chặt mía được sát với tình hình thực tế hơn, giảm bớt lo lắng cho người nông dân, Công ty Mía đường Phan Rang còn trang bị thiết bị đo độ chín mía tại ruộng. Tính đến ngày 7-2, công ty đã thu mua gần 40.000 tấn mía cây, tương ứng với gần 800 ha mía trong toàn huyện. Anh Phan Kế Vũ, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn cho biết: “Hiện nay việc thu mua mía vẫn diễn ra đều với sự nỗ lực rất lớn của Công ty CP Mía đường Phan Rang, dù sản lượng vụ thu hoạch năm nay chưa đạt như mong muốn nhưng nhìn chung vì được các doanh nghiệp đầu tư vốn, bao tiêu sản phẩm, với giá bán 1 triệu đồng/tấn mía (10 chữ đường), người nông dân vẫn an tâm, phấn khởi vì có lãi”. Thực tế qua tìm hiểu, cây mía dù năng suất giảm nhưng vẫn có sức hấp dẫn người nông dân đầu tư trồng. Đơn cử tại Quảng Sơn, trong khi vụ thu hoạch mía còn chưa xong thì đã có 200 ha đất trồng khoai mì được chuyển sang trồng mía.
Là một người rất am hiểu về nghề trồng mía, anh Lê Văn Lâm bộc bạch: “Nói gì chăng nữa, rõ ràng cây mía đang góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn ở Ninh Sơn, nhiều hộ trồng mía đã giàu khá lên. Song tôi cũng mong từ vụ mía năm nay, không chỉ là thêm bài học kinh nghiệm mới về sự tự phát trồng mía không theo quy hoạch, mà còn là hy vọng mới về sự đầu tư phát triển ngành mía đường của tỉnh theo hướng bền vững”.
Bạch Thương